Nguyên nhân và cách khắc phục 6 lỗi khi làm bánh bông lan

Kate vừa đọc được trên Kênh 14 một bài viết về chuyện làm bánh bông lan theo công thức trên mạng và kết quả là bánh xẹp, không nở bông. Đó có thể chỉ là một câu chuyện cười, nhưng đối với người làm bánh, đặc biệt là đối với những người mới bước vào con đường này thì những lỗi “cười ra nước mắt” như thế này là hoàn toàn có thật. Trong bài viết này, Kate sẽ tổng hợp lại 6 lỗi thường gặp khi làm bánh bông lan và chia sẻ cách khắc phục cho mọi người cùng tham khảo nhé!

Những miếng bánh bông lan xốp mềm, ngọt ngào cũng là món bánh khoái khẩu của nhiều người. Cũng chính vì thế mà không ít đã học để tự tay làm món bánh này tại nhà. Kate bén duyên với nghề làm bánh cũng là do một vài lần thử làm bánh bông lan với nồi cơm điện, rồi sau đó “nghiện” luôn cảm giác được chờ đợi mẻ bánh mới của mình và bắt đầu học làm bánh luôn. Thế nhưng, để nói về những lỗi thường gặp khi làm bánh bông lan, đặc biệt là với “gà mới” chắc hẳn là không ít, đây cũng là những kỷ niệm vui để sau này khi nhớ về những ngày đầu có thể thấy mình đã bước xa đến chừng nào. Nhân tiện đọc được bài viết của Kênh 14, Kate cũng tổng hợp lại những lỗi thường gặp nhất và cách khắc phục để bạn có được những chiếc bánh bông lan “chuẩn vị” nhất trong bài viết dưới đây.

lỗi khi làm bánh bông lan

Để có được chiếc bánh bông lan thơm ngon, bạn sẽ phải trải qua
không ít lỗi thường gặp

Bánh còn mùi tanh của trứng

Đối với những người nhạy cảm với các thể loại mùi – như mình chẳng hạn thì bánh còn mùi tanh của trứng thì phải nói thực sự là một “thảm họa”, vì để nuốt hết được miếng bánh không khác gì cực hình. Và tất nhiên, mình cũng đã không ít lần gặp phải sự cố này. Sau vài lần đầu “lầm lỡ” thì mình rút ra được, nguyên nhân của việc này có thể là do bánh của bạn chưa chín hẳn, hoặc lượng vanilla bạn sử dụng để khử mùi tanh của trứng trong công thức chưa “đủ đô”.

Bánh bông lan còn tanh mùi trứng

Bánh bông lan còn tanh mùi trứng làm hương vị không được trọn vẹn
(Ảnh: Internet)

Cũng từ những nguyên nhân này, bạn có thể sửa sai bằng cách nướng thêm bánh trong vòng 5 – 10 phút nữa nếu bánh chưa chín hẳn. Còn nếu bánh còn tanh do chưa đủ hương vani thì bạn cần khắc phục bằng cách cho thêm vanilla vào bánh. Lưu ý rằng nếu bạn không tìm được vanilla dạng chiết xuất mà phải sử dụng bột vanilla thì nên chú ý liều lượng vì nếu cho quá nhiều bột vanilla có thể khiến bánh bị đắng. Khi đã thêm được một lượng vanilla phù hợp vào công thức rồi thì đừng lo nhé, hương vani sau khi nguội sẽ càng khiến bánh của chúng ta càng thơm và hấp dẫn hơn. Một tip nhỏ cũng sẽ giúp ích cho bạn trong việc hạn chế mùi tanh của trứng trong bánh chính là luôn lựa trứng mới và tươi để làm bánh nhé!

Bánh không nở hoặc nở kém, kết cấu bánh không như ý

Đây chắc hẳn cũng là một vấn đề mà không ít bạn gặp phải khi mới thử sức mình với bánh bông lan. Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng bánh chỉ được nở phồng, bông xốp và có kết cấu hoàn hảo khi lượng bọt khí trong quá trình đánh bông lòng trắng trứng được đảm bảo chứ không phải là do bất kì loại bột nở nào. Vì thế mà quá trình đánh bông lòng trắng trứng thực sự là một quá trình quan trọng mang tính chất quyết định thành bại của mẻ bánh đó.

Bánh bông lan nở kém

Bánh nở kém chủ yếu là do lỗi trong quá trình đánh trứng hoặc trộn bột
(Ảnh: Internet)

Và nguyên nhân của việc bánh không nở hoặc nở kém có thể là do bạn chưa đánh trứng đến độ bông cần thiết, hoặc khi trộn bột với lòng trắng trứng đánh bông bạn đã trộn sai kỹ thuật, trộn quá mạnh tay khiến cho những bọt khí bên trong lòng trắng trứng đã được tạo thành bị vỡ, hoặc cũng có thể sau khi trộn lòng trắng trứng đánh bông với các hỗn hợp lỏng mà bạn lại để chúng quá lâu bên ngoài, không cho ngay vào lò nướng khi bọt khí bị vỡ dần hoặc cũng có thể do bạn nướng bánh sai nhiệt độ.

Để khắc phục tình trạng này, trước tiên bạn phải học cách đánh bông hoàn hảo được một mẻ lòng trắng trứng. Trước tiên, bạn cần giữ que đánh trứng của mình tuyệt đó sạch sẽ, khô ráo, không bị dính bơ, dầu hay lòng đỏ trứng. Tiếp theo, trong quá trình đánh, khi cho đường vào bạn nên thao tác thật từ từ, kết hợp với đánh trứng ở tốc độ trung bình cho tới khi hết lượng đường trong công thức rồi mới tăng tốc lên mức cao nhất để đánh cho bông lòng trắng trứng. Có thể thử độ chuẩn của lòng trắng trứng bằng cách nhấc que đánh trứng lên cao, nếu lòng trắng trứng tạo thành một chóp nhọn, hơi ngả xuống một bên là có thể dừng lại.

Khi trộn bột, bạn cần nắm rõ kỹ thuật fold, trộn một cách thật nhẹ nhàng từ dưới lên trên để hạn chế làm bọt khí bị vỡ. Lưu ý, bạn nên dùng spatula để trộn, tránh dùng phới lồng, việc này sẽ giúp đảm bảo kết cấu của lòng trắng trứng hơn. Và đừng quên chia nhỏ lượng lòng trắng trứng đã đánh bông thành 3 phần bằng nhau, trộn từ từ 1/3 trước với bột để hỗn hợp nhẹ hơn rồi tiếp tục trộn vùng với 2/3 còn lại nhé!

Đối với khâu chống dính cho khuôn bánh (quết dầu ăn, bơ hay lót bằng giấy nến) bạn nên thực hiện ngay khi bắt đầu làm bánh. Việc này giúp khi vừa hoàn thành xong hỗn hợp, bạn có thể trút vào khuôn và đem nướng ngay lập tức, tránh việc để hỗn hợp bên ngoài quá lâu làm bọt khí bị vỡ dần.

Sau khi trộn bột xong phải đem nướng ngay, không nên để bột ở ngoài quá lâu sẽ khiến bánh không nở được cũng như ảnh hưởng tới chất lượng của mẻ bánh.

Hãy làm nóng lò ít nhất là trước 15 phút khi nướng bánh và đừng quên kiểm tra lại nhiệt độ trước để đảm bảo đã có được nhiệt độ phù hợp. Khi nướng bánh, bạn cũng cần hạn chế mở cửa lò để nhiệt độ trong lò được ổn định, không bị thoát ra ngoài. Để kiểm tra bánh đã chín chưa, bạn có thể thử khi đã hết 2/3 thời gian nướng.

Bánh bị tràn khuôn, cháy mặt hoặc nứt, không mịn màng

Lỗi này chắc hẳn cũng đã có rất nhiều bạn gặp phải vì nó là một trong những lỗi cực kì cơ bản trong làm bánh. Thực chất, việc này chỉ làm bánh của chúng ta kém thẩm mỹ một chút chứ hương vị và chất lượng của bánh thì cũng không hề ảnh hưởng gì nhiều. Việc này có nguyên nhân chính là do bạn đã đổ quá nhiều bột trong khuôn. Bột quá cao sẽ khiến khi bánh nở ra khong còn định hình như mong muốn mà tràn ra ngoài. Còn nếu mặt bánh bị nứt hoặc cháy thì bạn cần xem lại nhiệt độ quá cao, cũng có thể vị trí đặt bánh của bạn đã quá gần lửa trên khiến bánh nở quá nhanh hoặc do khuôn bánh quá sậm màu dẫn đến hấp thụ nhiệt nhiều khiến nhanh bị cháy mặt.

Bánh bông lan bị nứt mặt

Bánh bị nứt mặt là một trong những lỗi thường gặp khi làm bánh bông lan
(Ảnh: Internet)

Cách khắc phục tình trạng này là bạn cần canh chuẩn xác lượng bột đổ vào khuôn, lý tưởng nhất là bạn chỉ nên đổ khoảng 2/3 khuôn, việc này sẽ giúp có không gian đủ để bánh nở cao, không bị tràn ra ngoài. Còn nếu mặt bánh bị nứt thì bạn cần điều chỉnh lại nhiệt độ nướng xuống khoảng 5 – 10 độ C ở lần làm bánh sau, và đừng quên chú ý tới vị trí đặt bánh, tránh đặt quá gần lửa trên của lò nhé!

Khi mang ra khỏi lò, bánh bị xẹp, lõm hoặc thắt eo

Lý do của tình trạng này là do bánh của bạn chưa chín bên trong, việc này khiến phần bột bên trong chưa nở và còn ướt, khi mang bánh ra khỏi lò, lõi bánh sẽ co lại và gây ra hiện tượng thắt eo, hoặc lõm mặt đáy hay xẹp mặt trên làm ảnh hưởng đến cả hình thức và chất lượng của bánh.

Bánh bông lan bị xẹp

Bánh bị xẹp gây mất thẩm mỹ
(Ảnh: Internet)

Đầu tiên, phải nói rằng khi nướng bánh, bạn sẽ cần phải hiểu chiếc lò nướng trong bếp nhà mình, rất nhiều lò có độ chênh lệch khá lớn giữa nhiệt độ trong lò và nhiệt độ hiển thị, hiểu rõ được chúng thì mới có thể canh đúng nhiệt độ để nướng bánh. Bạn có thể trang bị một chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ lò là tốt nhất để tránh khỏi tình trạng này nhé! Còn nếu chắc rằng nhiệt độ đã chính xác rồi thì bạn có thể tăng nhiệt độ nướng lên 10 – 15 phút nữa để bánh được chín hoàn toàn.

Trong một số trường hợp, bánh bị xẹp cũng có thể là do “sốc nhiệt” khi bạn lấy bánh ra khỏi lò một cách quá đột ngột. Giải pháp trong tình huống này là khi nướng xong, bạn có thể để bánh trong lò, mở hé cửa lò trong vòng 5 – 10 phút nữa rồi mới lấy bánh ra.

Bánh bị dính vào khuôn khiến khi lấy ra bị bể nát

Nếu bạn quá khó khăn khi lấy bánh ra khỏi khuôn thì khả năng cao là bạn đã quên chống dính trước khi làm bánh hoặc chống dính chưa đủ. Việc này sẽ khiến bạn gặp phải không ít khó khăn để đảm bảo được chiếc bánh của chúng ta được nguyên vẹn.

Chống dính cho bánh bông lan

Chống dính không kỹ gây hiện tượng bánh bị dính khuôn

Để không gặp phải tình huống này, bạn cần chống dính thật kỹ trước khi làm bánh, nếu không có loại khuôn chống dính, bạn cần dùng giấy nến để lót khuôn hoặc đối với những loại khuôn có thiết kế phức tạp, bạn có thể dùng dầu ăn hoặc bơ đã nấu chảy quét một lớp mỏng lên bề mặt khuôn, sau đó rắc thêm một lớp bột khô lên trên để chống dính. Và nếu khi bánh của bạn không may bị dính khuôn, hãy bình tĩnh và đợi bánh nguội rồi xử lý nhé, đừng quá nóng ruột mà xử lý ngay khi bánh còn nóng sẽ khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.

Quả, hạt, mứt khô dồn xuống phía đáy bánh

Bánh bông lan khi được thêm vào các loại trái cây khô tự nhiên như việt quất khô, hạnh nhân, nho khô thì hương vị sẽ tuyệt hơn rất nhiều. Thế nhưng, đối với những người mới bắt đầu thì việc những nguyên liệu khô này lặn xuống đáy bánh, không được dàn trải đều nên hương vị không được như ý muốn. Nguyên nhân chính gây ra vấn đề này là những nguyên liệu mà bạn thêm vào quá nặng hoặc hỗn hợp bột của chúng ta quá lỏng. Vậy cách khắc phục tình trạng này là gì?

các loại hạt chìm xuống đáy

Các loại hạt, trái cây bị chìm xuống đáy bánh (Ảnh: Internet)

Rất dễ, bạn chỉ cần sơ chế một chút trước khi thêm các loại nguyên liệu này vào bánh là được. Đầu tiên, hãy rửa sạch lớp đường bên ngoài sau đó để ráo (đối với các loại mứt), tiếp theo, xốc các nguyên liệu này với bột khô để tạo một lớp bột áo giúp chúng được nhẹ hơn và dễ nổi trong hỗn hợp bột bánh.

Trên đây là những lỗi cơ bản và thường gặp nhất khi làm bánh bông lan mà bất cứ người thợ làm bánh nào khi mới bắt đầu cũng có thể gặp phải. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này có thể giúp bạn khắc phục được các sự cố và làm ra những mẻ bánh bông lan thơm ngon hơn! Chúc bạn thành công!

>> Nướng bánh bông lan ở nhiệt độ bao nhiêu là đúng chuẩn

Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!

Điểm: 4.59 (16 bình chọn)

Tác giả: Trần Văn Vinh

Với kinh nghiệm không dưới 2 năm về nghề làm bánh, Vinh Ramsay có tên thật là: Trần Văn Vinh - một thợ làm bánh chuyên nghiệp tại Đà Nẵng và thế mạnh của anh là làm các loại bánh Âu. Anh là học trò của Amaury Guichon, khi được phỏng vấn anh đã chia sẻ lại "Thật may mắn khi tôi gặp được thầy, thầy đã truyền lại hết các kinh nghiệm làm bánh mà thầy đã tích góp cho mình trong thời gian dài mà không hề giấu tôi bất cứ bí quyết nào hết". Hiện tại anh được mời cộng tác viên của website: daylambanh.edu.vn để chia sẻ lại các công thức làm bánh mà anh đã tìm tòi và nghiên cứu cho các tín đồ mê làm bánh.  Anh ấy là một con người vui tính luôn cập nhật những kiến thức mới. Cho nên, nếu bạn có những công thức hay mẹo làm bánh hay thì đừng ngần ngại chia sẻ cho anh ấy nữa nhé. Gửi Gmail qua cho anh ấy thông qua: vinhramsay@gmail.com

Bài viết liên quan

1 Bình luận cho bài viết: “Nguyên nhân và cách khắc phục 6 lỗi khi làm bánh bông lan

Ý kiến của bạn

  1. Nguyễn thị thu thủy

    Cho hỏi về bánh bông lan truyền thống nhỏ,mình gặp trường hợp này là bánh đổ ra sóp và ráo khi bánh nguội là nó như có lớp đường bên ngoài nó sẽ dính lại với nhau ,gỡ ra là nó bị tríc da

    Trả lời