Mochi là một loại bánh được làm khá cầu kỳ, bột vỏ bánh được lựa chọn từ những loại gạo nếp ngon, giã trong cối bằng chiếc búa gỗ. Mochi đòi hỏi người thợ làm bánh những kỹ thuật tốt và đôi bàn tay khéo léo. Bánh Mochi là gì, nghệ thuật làm bánh Mochi của người Nhật như thế nào cùng DLBAAu tìm hiểu nhé.
Nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực của đất nước Mặt trời mọc – Nhật Bản luôn được xem là sự tinh túy với những sự đầu tư đầy tỉ mỉ cả về hương vị lẫn cách trình bày. Thưởng thức các món ăn của người Nhật không chỉ dừng lại ở độ ngon mà còn tiến xa hơn là cả nghệ thuật được chắt lọc từ sự tinh túy. Không quá khó để đón nhận sự tinh túy của từng chiếc bánh được làm nên từ bàn tay người Nhật, Mochi cũng được nhắc đến là món bánh đầy nghệ thuật.
Mochi được xem là món bánh truyền thống đầy tinh tế của người Nhật
Bánh Mochi được làm từ gạo nếp ngon, theo quan niệm của người Nhật thì hạt gạo được xem là tinh hoa của trời đất và chính là nguồn cội của mọi điều may mắn mà thần linh đã ban phát cho con người. Chính vì những quan niệm như vậy mà bánh Mochi còn được xem là món bánh tượng trưng cho sự may mắn.
Được làm với nguyên liệu chính là loại gạo Mochi rất dẻo, qua bàn tay khéo léo và sự tinh tế người Nhật như thổi hồn vào từng chiếc bánh tựa như nghệ thuật một cách đầy sáng tạo.Chúng ta cùng tìm hiểu xem bánh Mochi là gì và nghệ thuật làm bánh Mochi của người Nhật đặc biệt như thế nào.
Mochi là gì?
Mochi là một loại bánh giầy có nhân ngọt truyền thống của Nhật Bản được làm từ gạo nếp dẻo và nhân đậu đỏ. Bánh Mochi rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Nhật và cũng là vật tế phẩm thiêng liêng mà người dân nơi đây dâng lên thần linh để cầu mong sự may mắn và sức khỏe trong dịp năm mới hoặc các ngày lễ.
Vì sao bánh Mochi có ý nghĩa với người Nhật?
Đối với người Nhật, Mochi không chỉ đơn thuần là một món bánh mà nó còn là biểu trưng của sự may mắn mà thần linh muốn dành tặng cho con người. Mochi phải được làm từ loại bột nếp ngon vì trong nền văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, hạt gạo được xem là tinh hoa của đất trời, là loại lương thực quý giá nhất.
Mochi là món bánh “quốc dân” của người Nhật (Ảnh: Internet)
Nguồn gốc bánh Mochi
Đến nay, nguồn gốc bánh Mochi vẫn chưa được thống nhất. Nhiều người cho rằng Mochi có xuất xứ từ Trung Quốc, ban đầu được làm từ gạo trộn với đậu đỏ và chỉ dành cho giới quý tộc vì món bánh này biểu trưng cho điềm lành, được xem như bùa phù hộ hạnh phúc hôn nhân.
Tuy nhiên, đa số nhà nghiên cứu lại khẳng định Nhật Bản mới là cội nguồn của bánh Mochi. Mochi xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật vào thế kỷ 18 ở kinh thành Edo và luôn có mặt trong các dịp lễ Tết quan trọng hoặc những buổi họp mặt ý nghĩa của gia đình. Tương truyền rằng Mochi sẽ mang lại nhiều may mắn và thịnh vượng cho người thưởng thức. Mỗi chiếc bánh Mochi được làm ra hội tụ đủ tinh túy được chắt lọc qua sự khéo léo và tinh tế của người Nhật. Ngày nay, khi nhắc đến Mochi phần lớn mọi người đều nghĩ đây là món bánh truyền thống của người dân xứ sở hoa anh đào.
Hình dáng chiếc bánh Mochi truyền thống
Bánh Mochi truyền thống được nặn thành hình tròn với kích thước nhỏ nhắn, nằm gọn trong lòng bàn tay. Mochi thường có 3 lớp:
- Lớp ngoài cùng: Làm bằng bột nếp, rất dẻo.
- Lớp giữa: Thường là nhân đậu đỏ mềm mịn, ngọt ngào.
- Lớp lõi bên trong: Là nhân kem mát lạnh với hương vị độc đáo, cuốn hút.
Những thông tin thú vị về bánh Mochi Nhật Bản
Công đoạn giã gạo làm bánh Mochi công phu
Để làm ra một chiếc bánh Mochi, người Nhật phải tỉ mỉ trong từng công đoạn thực hiên. Những hạt gạo dẻo dai sẽ được đem đi hấp chín cùng với đường cát để có vị ngọt đặc trưng. Khi thu được hỗn hợp gạo nếp chín thơm phưng phức, người Nhật sẽ đem gạo đi giã.
Giã gạo là công đoạn luôn đòi hỏi người thực hiện phải thật sự khéo léo và nhanh nhẹn. Gạo nếp được giã trong cối bằng chiếc chày gỗ lớn và sẽ có người nhanh nhẹn nhấc khối gạo lên sau mỗi lần giã như một màn trình diễn đầy thách thức. Công đoạn này đòi hỏi người đảo bột phải có nhiều kinh nghiệm và tính toán thời gian chuẩn xác cùng nhịp gõ chày nếu không sẽ rất dễ xảy ra tai nạn.
Công đoạn giã gạo nếp làm bánh Mochi rất công phu
Khi được giã nhuyễn, khối bột tỏa ra làn khói mong manh, trắng ngần, dẻo mịn và có mùi thơm cực kì hấp dẫn. Gạo nếp phải được giã thật nhuyễn, nếu không hạt gạo sẽ mất ngon và ảnh hưởng đến hương vị của thành phẩm. Mochi được làm tùy theo sở thích của mỗi gia đình, có thể nấu, bọc với nhiều loại nhân khác nhau hoặc nướng lên.
Bánh Mochi hình vuông
Người dân xứ sở hoa anh đào gọi bánh Mochi hình vuông (hoặc hình chữ nhật) là Kaku – Mochi với ý nghĩa tượng trưng cho tình làng nghĩa xóm keo sơn gắn bó. Vì trước đây hầu hết người Nhật sống tập trung tại các khu nhà dài và hẹp nên không gian nhà bếp rất khiêm tốn, vì vậy mỗi khi muốn làm bánh Mochi, phụ nữ thường rủ nhau cùng làm tại sân chung của khu nhà. Họ góp nguyên liệu rồi tự tay làm nên những chiếc bánh lớn, sau đó cắt thành miếng nhỏ để chia cho mọi người.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, ngày nay bánh Mochi thường có tạo hình tròn mô phỏng mặt trăng với ngụ ý biểu trưng cho sự sung túc, viên mãn và thịnh vượng của người Nhật.
Bánh Kaku – Mochi (Ảnh: Internet)
Ngày bánh Mochi ở Nhật Bản
Ngày 10/10 hằng năm ở Nhật Bản là ngày Hội thể thao toàn quốc và cũng được chọn làm ngày bánh Mochi. Lý do chọn trùng thời gian với Hội thể thao là vì món bánh này được các tuyển thủ điền kinh nói riêng và người Nhật hoạt động thể thao nói chung rất yêu thích.
Ý nghĩa những chiếc bánh Mochi Nhật Bản
Kagami – Mochi
Kagami – Mochi có tạo hình giống hồ lô (Ảnh: Internet)
Kagami – Mochi được tạo thành từ 2 chiếc bánh Mochi tròn lớn và nhỏ gắn chồng lên nhau giống như một cái hồ lô. Trên đỉnh của chiếc bánh thường được đặt một quả cam với mong ước gia đình luôn được phồn thịnh. Kagami – Mochi là lễ vật không thể thiếu trong gia đình khi đón chào năm mới. Chiếc bánh được đặt trang trọng ở hốc tường Toko -Noma tại phòng khách hoặc trong nhà bếp nhằm cầu mong được sự trường thọ.
Hana – Mochi
Hana – Mochi đẹp tinh tế, ấn tượng (Ảnh: Internet)
Hana – Mochi trông giống như một nhánh hoa anh đào rất tinh tế của người Nhật. Món bánh này cũng được đặt trang trọng ở gian thờ của căn bếp trong suốt mùa đông dài với hi vọng thần linh sẽ ban cho gia chủ trí tuệ sáng suốt.
Canh Zoni
Canh Zoni độc đáo (Ảnh: Internet)
Không chỉ là chiếc bánh ngọt, Mochi còn là nguyên liệu quan trọng để chế biến nhiều món ăn truyền thống của Nhật Bản, trong đó có canh Zoni. Món canh này được kết hợp từ bánh Mochi với thịt và rau xanh. Canh Zoni không thể thiếu trong gia đình người Nhật vào dịp năm mới.
Daifuku Mochi
Daifuku Mochi là món bánh biểu trưng cho sự may mắn (Ảnh: Internet)
Món bánh này được làm từ gạo nếp, bao bọc bên ngoài là bột đậu đỏ (anko) hoặc bột đậu trắng (shiroan). Trong tiếng Nhật “Daifuku” có nghĩa là “sự may mắn to lớn”, vì vậy Daifuku Mochi được xem là biểu tượng của sự may mắn và không thể thiếu trong dịp năm mới hoặc các ngày lễ lớn.
Sakura Mochi
Sakura Mochi tinh tế, cuốn hút (Ảnh: Internet)
Sakura Mochi chỉ xuất hiện vào mùa xuân ở Nhật, được quấn một chiếc lá anh đào bên ngoài để tạo nên hương thơm đặc trưng cho bánh. Sakura Mochi thường được thưởng thức suốt mùa xuân, đặc biệt là trong lễ hội Hinamatsuri – ngày của các cô gái.
BotaMochi và Ohagi
Bánh BotaMochi và Ohagi được người Nhật dùng bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên (Ảnh: Internet)
Điểm khác biệt của hai món bánh này so với các loại Mochi thông thường là đậu đỏ sẽ giã nhuyễn cùng gạo nếp. Trong ngày lễ Phật giáo Ohigan, bánh BotaMochi và Ohagi sẽ được cúng tại các bàn thời Phật. Đây là cách để người Nhật bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
HishiMochi
HishiMochi đẹp mắt (Ảnh: Internet)
HishiMochi có hình thoi và cấu tạo gồm ba lớp màu hồng, trắng và xanh. Lớp bánh màu hồng đại diện cho lời chúc sức khỏe tốt, màu xanh chúc sinh sổi nảy nở và màu trắng chúc cuộc sống được trường thọ. HishiMochi là món ăn không thể thiếu trong lễ hội búp bê diễn ra vào ngày 03/03 hằng năm tại Nhật.
Bảo quản bánh Mochi như thế nào?
- Cho bánh Mochi vào ngăn mát hoặc ngăn đông của tủ lạnh (0 – 4 độ C). Nếu để trong ngăn mát thì có thể bảo quản bánh được khoảng 3 ngày còn ngăn đá thì được 10 ngày.
- Bánh Mochi để nhiệt độ phòng chỉ giữ được hương vị tầm 8 tiếng.
- Mochi cần được để yên 20 phút (vào mùa hè) và 40 phút (vào mùa đông) sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh thì vỏ bánh mởi mềm dẻo được. Lưu ý: Nếu vỏ bánh đã mềm thì không cho vào ngăn đông.
Lễ bánh Mochi Dondo – Yaki
Dondo – yaki là dịp lễ liên quan đến bánh Mochi được tổ chức vào dịp năm mới. Vào ngày 15/1 hàng năm, những người dân trong khu vực thường tập trung lại với nhau để cùng đón lễ này. Người Nhật dùng tre và rơm rạ để đốt thành những đống lửa lớn với niềm tin tiêu hủy hết những điều xấu, điều không may mắn trong năm cũ và đón chào năm mới với vạn sự tốt đẹp.
Lễ hội Dondo – yaki thu hút đông đảo người dân Nhật tham gia, đặc biệt là các em nhỏ. Khi buổi lễ bắt đầu, họ sẽ cột chiếc bánh Mochi trên những thanh tre dài và đem nướng trong đống lửa để thưởng thức. Người ta tin rằng bánh Mochi khi được nướng trên lửa và ăn vào dịp Dondo – yaki sẽ mang lại sức khỏe trong suốt một năm.
Ngoài ra, bánh Mochi còn gắn liền với những giai đoạn quan trọng và đánh dấu mức trưởng thành của người Nhật. Tại đất nước này có lễ hội dành cho các em bé mới chập chững biết đi. Vào ngày này, các em sẽ vác trên lưng một chiếc bánh gạo nặng 1.5kg với sự trợ giúp của cha mẹ, nhằm cầu mong mình sẽ mau ăn chóng lớn và có sức khỏe thật tốt.
Lễ bánh Mochi Dondo – yaki của người Nhật (Ảnh: Internet)
Thưởng thức bánh Mochi là một cách để cảm nhận được hương vị truyền thống đặc trưng của nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Với giải thích đáp về Mochi là gì và nghệ thuật làm bánh Mochi của người Nhật được chia sẻ ở trên, hi vọng bài viết sẽ gợi cho bạn cảm hứng để trải nghiệm làm bánh Mochi tại những khóa học làm bánh nhé. Chúc bạn thành công!
Ý kiến của bạn