Tôi nhớ chiếc bánh Trung thu thơm phức, cái mùi thơm đã gắn bó trong suốt những năm tháng tuổi thơ, len lỏi trong từng ký ức, trải qua bao năm tháng vẫn không hề đổi thay. Chiếc bánh ấy không chỉ là thức quà của quê hương mà còn là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử thăng trầm.
Đối với của nhiều người, bánh Trung thu là ký ức tuổi thơ ngọt ngào không thể quên (Ảnh: Internet)
Khóc – cười, chuyện những chiếc bánh Trung thu “bất hợp pháp”
Đã có thời, không phải ai muốn làm, muốn ăn bánh Trung thu cũng được. Thời bao cấp (thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa), mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chiếc bánh: 1 chiếc bánh nướng, 1 chiếc bánh dẻo và được phân phối theo tem phiếu. Ngày đó, người dân thường xếp thành một hàng dài mới mua được bánh, ai ai cũng vui vẻ, háo hức. Không khí của đêm rằm tháng Tám cũng từ đây mà cảm nhận rõ hơn bằng niềm vui của con trẻ, ánh mắt trìu mến trên khuôn mặt đã in hằn nếp nhăn của các bác, các cô hay đôi tay chai sạn, nhăn nheo đang nâng niu từng chiếc bánh của một cụ bà… Những hình ảnh dung dị ấy quá đỗi đẹp, vẻ đẹp trân quý bất giác đi sâu vào lòng người: À thì ra, những năm tháng xưa cũ đã có một ngày tết Đoàn viên như thế!
Nhưng cũng từ cái khó khăn của thời đói khổ đã khiến nhiều người nảy sinh ra ý tưởng táo bạo, đó là làm bánh Trung thu “chui”. Đến tận bây giờ vẫn có nhiều gia đình vừa vui vừa buồn kể chuyện làm bánh bất hợp pháp. Ngày ấy tất cả mọi công đoạn đều được thực hiện trong sự “im lặng”, thỉnh thoảng mọi người mới thì thầm với nhau vài câu rồi lại tiếp tục công việc của mình. Nếu không may bị phát hiện, bị tịch thu thì coi như mùa Trung thu năm ấy buồn nhiều hơn vui. Vậy mà vẫn có nhiều gia đình theo nghề, cố gắng gìn giữ và truyền lại cho con cháu của mình.
Đêm rằm tháng Tám của những năm tháng xưa cũ (Ảnh: Internet)
Cực nhất khi làm bánh vào thời ấy là khâu mua nguyên vật liệu, tất cả đều phải làm trong bí mật. Mà nguyên liệu đâu có sẵn như bây giờ, không ít người phải cất công đi đến những nơi xa, mua tem chợ “giời” để có được hạt vừng, trái bí hay cân bột, cân thịt… ngon nhất, tạo ra hương vị hoàn hảo của một chiếc bánh chứa đựng sự viên mãn, tròn đầy. Những chiếc bánh Trung thu “bất hợp pháp” đã ra đời như thế. Thời bây giờ chắc ít ai nhớ đến chuyện xưa về những năm tháng còn vất vả, nhọc nhằn nhưng đối với những người đã dành hơn nửa đời mình cho bánh Trung thu thì năm tháng ấy không thể quên.
Thời kỳ đỉnh cao và giai đoạn trầm lặng
Khi đất nước mở cửa, nhiều người cho rằng cái bánh chính là hiện thân của sự giàu lên trong xã hội. Không còn phải làm “chui” một cách khổ cực nữa, những chiếc bánh được bày bán công khai trên quầy và nhiều gia đình bắt đầu ăn nên làm ra. Vào những năm 70, nhờ kinh doanh bánh Trung thu, có người đã mua được chiếc xe đạp Peigeot rồi chiếc Honda Cub, đến chiếc ô tô chỉ khi vừa thoát khỏi thời bao cấp. Cứ gần đến rằm tháng Tám là các cơ sở sản xuất lại làm việc không ngừng nghỉ, vậy mà nhiều khi vẫn không có bánh bán.
Đến những năm 2000, thị trường kinh doanh bắt đầu thay đổi vì sự du nhập của bánh Trung thu nhân nhuyễn – một món bánh đặc trưng của Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành trào lưu. Không còn dòng người rồng rắn đến mua bánh, nhiều nơi đã thu hẹp quy mô sản xuất và làm thêm các sản phẩm như mứt bí, mứt quả để duy trì việc kinh doanh.
Bánh Trung thu đã từng là hiện thân của sự giàu lên trong xã hội (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, điều này không khiến cho bánh Trung thu truyền thống mất đi vị thế vốn có của nó. Những người đã đặt tâm huyết cả đời mình vào từng chiếc bánh, nâng niu như một món quà quý vẫn luôn đau đáu muốn gìn giữ nghề này cho con cháu mai sau. Những chiếc bánh nhân nhuyễn có thể bắt mắt hơn, để được lâu hơn nhưng chắc chắn chất lượng không thể bằng chiếc bánh được làm ra từ công thức gia truyền được đúc kết qua hàng chục, thậm chí hàng trăm năm với nguyên tắc bất di bất dịch: Chất lượng phải đặt lên hàng đầu.
Thời đại 4.0 và câu chuyện nghề bánh Trung thu vẫn được viết tiếp
Trải qua hơn nửa thế kỷ thăng trầm, bánh Trung thu ngày nay vẫn là một thức quà không thể thiếu trong đêm rằm tháng Tám, trở thành nét văn hóa của dân tộc. Cái mới ra đời nhưng không làm lu mờ cái cũ mà chúng bổ trợ cho nhau, tạo ra một thế giới bánh Trung thu tràn đầy sắc màu và hương vị. Ngoài các loại bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, nay có thêm bánh Trung thu Đài Loan, bánh Trung thu ngàn lớp hay các biến tấu độc đáo của bánh nhân đậu xanh lá dứa, sữa dừa, gà quay xá xíu… tất cả đều góp phần làm nên ngày tết Đoàn viên đủ đầy và trọn vẹn nhất.
Trong văn hóa của người Việt, bánh Trung thu còn là quà tặng ý nghĩa cho người thân, bạn bè để bày tỏ sự chân thành, yêu thương. Mỗi năm khi rằm tháng Tám sắp đến, dạo khắp phố phường đều thấy bánh được trưng bày đẹp mắt, sang trọng trong các tủ kính, khiến lòng người cũng nôn nao theo. Nhiều người dù bận rộn vẫn dành thời gian để học làm bánh tặng cho người mình yêu thương hoặc những mảnh đời kém may mắn để ngày Tết Trung thu thêm phần ấm áp và trọn vẹn.
Học làm bánh Trung thu là một cách để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc
Cuộc sống hiện đại thay đổi từng ngày, từng giờ nhưng nghề làm bánh Trung thu vẫn ngày càng phát triển. Chúng ta có thể quên đi nhiều thứ, dùng cái mới để thay thế cho cái cũ nhưng chắc chắn những nét văn hóa tuyền thống đẹp đẽ như bánh Trung thu sẽ được gìn giữ muôn đời, không bị pha trộn hay mai một.
Cắn một miếng bánh, thưởng thức một ngụm trà, quây quần bên gia đình, đầm ấm và yên vui phải chăng là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn có được? Nghề làm bánh Trung thu không chỉ đơn giản là làm ra những chiếc bánh mà còn là một cách để những người con đất Việt thể hiện tình yêu dành cho quê cha, đất tổ. Nửa thế kỷ thăng trầm nhưng bánh Trung thu vẫn tồn tại và chắc chắn trong tương lai, món bánh đặc biệt này vẫn sẽ là món quà không thể thiếu trong văn hóa của người Việt.
Ý kiến của bạn