“Gap year” là thuật ngữ dùng để chỉ khoảng thời gian sau khi kết thúc một quá trình học mà các bạn trẻ dành ra để khám phá năng lực bản thân. Theo các chuyên gia, Gap year – “năm khám phá”, có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống và quyết định nghề nghiệp của bạn trẻ khi rời ghế nhà trường. Vì vậy, bạn cần lập cho mình kế hoạch trước khi “xách balo lên và đi”, đừng để chúng biến thành “một năm trống”!
Gap year không còn quá xa lạ đối với hầu hết các bạn trẻ nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam đây còn là một thuật ngữ mới mẻ. Vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ Gap year là gì ? Và nên lập kế hoạch như thế nào để có trọn vẹn một năm khám phá đầy thú vị, ý nghĩa.
Gap year – Dành một năm để khám phá năng lực bản thân (Ảnh: Internet)
Gap year là gì?
Đây là 1 năm tròn mà bạn quyết định dành ra để “nghỉ giữa hiệp” sau khoảng thời gian dài học tập hay làm việc, bạn cho phép bản thân tìm đến những kế hoạch khác biệt hơn so với cuộc sống hàng ngày. Đối tượng “Gap year” nhiều nhất thường là các bạn sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào đại học hoặc sau khi học xong đại học mà chưa muốn lao ngay vào môi trường công sở. Những cách gọi khác của Gap year như: pathway, prep-year, defer year, leap year, bridge-year, year out, drop year, year off, overseas experience (OE) hay foundation year.
Làm thế nào để Gap year không trở thành “một năm trống”
Gap year làm việc
Gap year với thử thách làm hướng dẫn viên du lịch rất thú vị (Ảnh: Internet)
Gọi là Gap year làm việc bởi bạn sẽ dành khoảng thời gian này để tích lũy kỹ năng, tiết kiệm tiền, xây dựng mối quan hệ mới… phục vụ cho công việc sau này. Nếu bạn biết kết hợp làm việc với du lịch ở nhiều nơi, trải nghiệm sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng “sống sót” trong môi trường đa văn hóa, phát triển khả năng ngôn ngữ và hiểu hơn về văn hóa địa phương.
Lựa chọn hình thức này, bạn có thể làm những công việc bán thời gian không đòi hỏi nhiều kỹ năng như: dạy tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ mà bạn thông thạo), làm việc trong ngành nông nghiệp, hướng dẫn viên du lịch địa phương, nhân viên bảo trì, chăm sóc khách hàng, phát triển cộng đồng, chăm sóc trẻ em (babysitting, “au pair”)…
Gap year tình nguyện viên
Gap year với các hoạt động tình nguyện giúp bạn có nhiều trải nghiệm tuyệt vời
(Ảnh: Internet)
Lựa chọn hình thức Gap year tình nguyện bạn sẽ phát triển được nhiều khả năng kết hợp cộng đồng, cho phép xây dựng mạng lưới quan hệ và có thể mang đến công việc có trả lương về lâu dài. Bạn có thể tham gia vào công việc tình nguyện tại các tổ chức từ thiện, dự án nước ngoài… Nếu muốn đi làm từ thiện ở nước ngoài, bạn hãy cố gắng tham khảo các chương trình thực tập quốc tế, có một vài chương trình hoàn toàn miễn phí.
Gap year cho một ngành nghề mới/ thỏa mãn đam mê
Học một khóa học nấu ăn, làm bánh hay pha chế để thỏa mãn đam mê
Gap year sẽ là khoảng thời gian thanh xuân “đẹp” nếu bạn được thỏa sức với ngành nghề mới hoặc làm công việc mình yêu thích. Bạn hoàn toàn có thể dành thời gian này để khám phá đam mê của mình, chẳng hạn như học nghề làm bánh, nấu ăn, hay học pha chế các loại thức uống. Đây không chỉ là cơ hội để bạn theo đuổi đam mê để phát triển thành nghề nghiệp mà còn giúp bạn có món nghề tay trái để tự chăm sóc cho bản thân hoặc kiếm thêm thu nhập.
Gap year “những đôi chân cột bong bóng”
Trải nghiệm thực tế với các chuyến đi là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ
(Ảnh: Internet)
Rất nhiều bạn trẻ đã dành ra một năm cho việc đi du lịch một mình hay với cả nhóm, nếu bạn cũng muốn tham gia trải nghiệm thực tế giống như vậy thì có thể tham khảo một số trang mạng xã hội dành riêng cho “giới” Gap year. Đây là nơi sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin, lời khuyên và cả ý tưởng tuyệt vời, hay tìm kiếm được chỗ trọ giá rẻ ở các quốc gia khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự thưởng cho mình một năm tự do để khám phá chính đất nước mình đang sinh sống.
Gap year của “đội” ham học
Bạn sẽ dành một “gap year” ý nghĩa cho việc trau dồi kiến thức?
(Ảnh: Internet)
Nói là nghỉ học để được thư giãn, đi chơi nhưng không có nghĩa là bạn sẽ “bỏ quên” hết những kiến thức ở trường lớp. Nếu muốn, bạn có thể theo đuổi các khóa học ngắn hạn vào mùa hè, tham gia những chương trình học như: ngoại ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, kịch, thể thao…, hoặc tham gia các khóa đào tạo kỹ năng văn phòng như: tin học, ngoại ngữ.
Những điều cần lưu ý nếu bạn muốn có trải nghiệm Gap year đúng nghĩa
Khi quyết định trải nghiệm “ Gap year ” bạn cần phải chuẩn bị một số điều quan trọng như: học phí, chi phí sinh hoạt, chỗ ở, chi phí ăn uống, phương tiện di chuyển… Bạn có thể làm “dày túi tiền” trước khi lên đường như: làm thêm để dành dụm tiền trước chuyến đi, vừa đi du ngoạn vừa làm việc, gây quỹ từ những hoạt động và sự kiện mình tổ chức,… Ngoài ra, bạn cần lên kế hoạch chi tiết, tìm hiểu về văn hóa, những luật lệ nơi mình sẽ đến, chuẩn bị giấy tờ liên quan… để có chuyến đi trọn vẹn hơn.
Dạy làm Bánh Á Âu (DLBAAu) chúc bạn có cuộc hành trình khám phá năng lực bản thân thật hoàn hảo và sớm định hướng được con đường tương lai!
Ý kiến của bạn