Bánh mì hoa cúc hay còn gọi là Brioche là một loại bánh có xuất xứ từ Pháp và nhanh chóng nhận được sự yêu thích vì hương vị thơm ngon, thớ bánh xốp mềm. Cách làm bánh mì hoa cúc không quá phức tạp, bạn có thể làm thành công ngay tại nhà với hướng dẫn chi tiết trong bài viết này. Chúng ta cùng thử nghiệm ngay nhé!
Bánh mì hoa cúc được làm với công thức “chuẩn đét” thơm ngon
Loại bánh mì hoa cúc được bán chủ yếu trên thị trường Việt Nam hiện nay lại là loại bánh gối Harry Brioche, được nhập từ Pháp hoặc xách tay từ Nhật về. Loại bánh này ưu điểm là có thể bảo quản được lâu, nhưng so với bánh tự làm trong bếp nhà thì độ ngọt thơm, mềm mướt là không thể sánh bằng. Hơn nữa, loại bánh này lại có giá bán khá “đắt đỏ” từ 100.000 đến 200.000 cho một ổ bánh mì, khiến nhiều người vẫn đắn đo. Hôm nay, Kate sẽ tiết lộ cho mọi người bí quyết làm bánh mì để có thể làm bánh mì hoa cúc bằng công thức chuẩn Pháp với mùi vị “chuẩn không cần chỉnh”.
Đối với loại bánh mì này, Kate đánh giá hương vị qua độ mềm, xốp của thớ bánh và vị ngọt pha chút béo ngậy nhưng không khiến người ăn dễ ngán. Với công thức hôm nay mình chia sẻ, ngoài phần công thức bánh truyền thống, mình còn có thêm một chút biến tấu bằng lớp hạnh nhân cắt lát và glaze chanh mật ong để tăng độ thơm ngon, kích thích vị giác.
Trước khi bắt tay vào làm bánh, Kate có một số lưu ý nho nhỏ cho các bạn:
- Thứ nhất loại bánh này có thành phần lớn là bơ (khoảng 65%), chính vì vậy nên chọn loại bơ ngon sẽ khiến mùi vị bánh đạt chuẩn hơn. Không nên dùng bơ thực vật.
- Thứ hai, một mẻ bánh thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chính vì vậy, ngoài phần công thức chuẩn, bạn cũng nên cố gắng chú ý những thao tác mà DLBAAu nói đến trong bài để hạn chế tối đa rủi ro.
Cùng bắt tay vào làm thôi nào!
Nguyên liệu làm bánh mì hoa cúc
Nói đúng ra, nguyên liệu của Brioche cực kì phổ biến và dễ kiếm, vì vậy nếu có thời gian, bạn hoàn toàn có thể tranh thủ làm món này để chiêu đãi cả gia đình. Nguyên liệu chuẩn cho một ổ bánh mì hoa cúc ngon lành sẽ có:
- Bột bánh mì: 250g
- Đường: 2 thìa canh (30g)
- 4 quả trứng gà
- 1 thìa café muối
- 1 thìa café men instant (không cần kích hoạt)
- Bơ lạt: 125g (chú ý nên dùng loại bơ động vật không muối)
- ½ thìa café loại hương bạn muốn thêm vào ổ bánh (vani, hương chanh, cam,…)
- Hạnh nhân cắt lát
- Phần glaze mật ong bạn cần chuẩn bị: ½ thìa canh đường bột, 2 thìa café mật ong và 2 thìa café nước cốt chanh
Hướng dẫn cách làm bánh mì hoa cúc kiểu Pháp
Chú ý: Phần bơ lạt làm mềm ở nhiệt độ phòng, tránh để bơ tan khiến thớ bánh bị ẩm, đặc và không còn tơi xốp như hương vị đặc trưng của bánh mì hoa cúc nữa.
3 sai lầm chủ yếu mà nhiều người mắc phải khiến bơ bị chảy có thể kể đến nhồi bột ở tốc độ quá cao và lâu, bột nóng lên khiến bơ chảy, nhồi bánh bằng tay, nhiệt độ từ tay làm bơ chảy hoặc nhiệt độ phòng quá cao.
Làm bột bánh
Trộn bột bánh mì, đường, muối và men instant vào âu trộn đều. Tiếp theo bạn đập 3 quả trứng và hương vị mà bạn thích vào bột tiếp tục trộn cho đến khi tất cả hòa quyện vào nhau.
Trộn bột làm bánh mì
Dùng máy nhồi bột ở tốc độ thấp trong vòng 3-4 phút, tiếp tục chỉnh tốc độ vừa và nhồi trong vòng 5-10 phút cho đến khi bột đạt được độ mịn mượt nhất định. Nên linh hoạt đánh tan một quả trứng và cho thêm vào nếu bột quá đặc hoặc quá cứng.
Ủ bột lần 1
Dùng nhiệt kế đo, nếu thấy bột dưới 27 độ hoặc sờ thấy mát tay thì cho phần bơ bạn đã chuẩn bị từ trước vào. Ở bước này, nếu Kate thấy nhiệt độ bột trên 27 độ sẽ cho bột nghỉ ở nhiệt độ phòng trong vòng 20-30 phút để hạ nhiệt độ bột.
Vê tròn bột rồi cho vào ủ
Trộn bột
Khi trộn bơ chúng ta nên dùng thìa hoặc thới trộn dằm nát phần bơ đã được cắt nhỏ và làm mềm trước đó để dễ dàng trộn với bột hơn. Dùng máy trộn bột ở tốc độ thấp đến khi bơ và bột hòa quyện vào nhau thì tăng tốc độ lên vừa trộn tiếp trong vòng 3-5 phút cho tới khi bột mịn, bóng.
Ủ bột lần 2
Dùng giấy nến hoặc màng bọc thực phẩm để bọc bột lại cho bột nghỉ trong vòng 20-30 phút ở nhiệt độ phòng. Tiếp tục ủ bột trong tủ lạnh với nhiệt độ 2-4 độ trong 12-14 tiếng. Lấy bột ra và cân chính xác để chia thành 3 phần bột, tiếp tục ủ bột trong tủ lạnh 20-30 phút.
Chia bột thành các phần nhỏ
Tạo hình bánh mì hoa cúc Brioche
Lấy bột ra và tạo hình, khi mới lấy bột ra khỏi tủ lạnh, bột sẽ nở hơn một chút so với ban đầu và khá cứng do bơ bị đông lại. Lấy 1 phần bột ra, nhẹ nhàng lăn bột để tạo thành một thanh dài từ 35-40cm. Tiếp tục với 2 phần bột còn lại.
Tạo hình bánh mì hoa cúc
Trong quá trình lăn bột, bạn nên dùng bột khô để chống dính cho tau và mặt bàn, nếu thấy có hiện tượng bột ướt, dính tay có nghĩa là bơ đang tan dần. Lúc này Kate khuyên bạn nên cho bột vào tủ lạnh đến khi bơ đông lại rồi tiếp tục làm. Lần 2, bạn lăn nhẹ thanh bột đã tạo hình trước đó cho đến khi độ dài đạt khoảng 60cm. Tạo hình 2 lần như vậy sẽ giúp bột có thời gian nghỉ, gluten được thư giãn và dễ dàng thích nghi với tạo hình mới.
Bện 3 thanh bột lại với nhau như cách bím tóc. Nối 2 đầu bột lại với nhau để tạo thành một vòng tròn khép kín. Tiếp tục ủ bột trên khay nướng có lót giấy nướng bánh, dùng một chiếc hộp lớn đậy lại để tránh mặt bột bị khô do không khí trong vòng 2-3 giờ, đến khi bột nở gấp đôi. Dùng 1 quả trứng còn lại đánh tan và quết một lớp mỏng lên mặt bánh, rắc hạnh nhân cắt lát lên trên.
Quết một lớp nước trứng lên mặt bánh, rắc hạnh nhân lên trên
Nướng bánh
Bạn nên làm nóng lò trước với nhiệt độ 170 độ và chế độ hai lửa. Cho bánh vào lò nướng trong vòng 20 phút đầu ở nhiệt độ 170 độ, sau đó giảm xuống còn 160 độ ở 15 phút cuối. Khi mặt bánh chuyển vàng sậm và mùi thơm lan tỏa khắp căn bếp nhà bạn chính là lúc bánh chính.
Cho bánh mì vào lò nướng
Làm phần glaze chanh mật ong
Trong thời gian chờ bánh nguội, chúng ta chuẩn bị phần glaze chanh mật ong bằng cách trộn đều đường bột, mật ong và nước cốt lại với nhau. Khi bánh nguội, dùng thìa rắc đều glaze lên mặt bánh.
Rắc phần glaze chanh mật ong lên bánh mì
Hoàn thành, thưởng thức và bảo quản bánh mì hoa cúc
Vậy là đã xong chiếc bánh mì hoa cúc thần thánh rồi nhé. Để bảo quản, bạn nên để bánh trong túi kín và sử dụng trong vòng 2 ngày. Nếu để trong ngăn đá tủ lạnh, bánh hoàn toàn có thể sử dụng bình thường trong vòng 6-8 tuần khi rã đông trong ngăn mát tủ lạnh và nướng lại.
Yêu cầu thành phẩm
Theo Kate tìm hiểu, màu sắc mặt bánh chuẩn của bánh mì hoa cúc là màu vàng sậm, chính vì vậy khi nướng bánh để ý thấy mặt bánh vàng nhanh, Kate có dùng một tấm giấy bạc đậy lại để mặt bánh không bị cháy. Bánh có độ giòn dai, thớ bánh mềm, dai, thơm nức. Bánh chín vàng đều, không bị quá khô hay bị chai bánh.
Video hướng dẫn
Những điều cần lưu ý khi làm bánh mì hoa cúc tại nhà
- Không nên thay sữa bằng nước vì sữa có công dụng tạo ra sự dẻo dai cho bánh và làm ruột mềm bên trong.
- Sử dụng men của bánh mì ngọt để làm bánh để dậy mùi bơ trong bánh. Nếu dùng men lạt sẽ làm bánh có mùi rượu thoang thoảng.
- Trứng gà nên được đánh bông sẽ làm bánh mì xốp và các thớ bánh ngon hơn.
- Không cần nhồi bột quá kỹ sẽ làm thớ bột dai, khó tạo hình hơn. Quan trọng hơn, bơ trong bột sẽ tan chảy và làm hỏng các gluten trong bột.
- Cho bột bánh vào tủ lạnh một lúc sẽ dễ tạo hình hơn, các thớ bánh không bị tơi ra khi thắt bím.
Cách làm bánh mì hoa cúc cũng không khó lắm đúng không nào, Còn chờ đợi gì nữa, làm ngay một ổ bánh mì hoa cúc thơm ngon, dậy mùi để chiêu đãi cả nhà thôi nào. Ngoài công thức làm bánh mì hoa cúc Brioche truyền thống, bạn có thể tham khảo thêm cách làm bánh mì kem tươi Hokkaido để thay đổi khẩu vị cho cả nhà nhé. Chúc bạn thành công!
Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học làm bánh mì hoa cúc của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!
Ý kiến của bạn