Bạn không biết rằng bánh mì có nhiều loại? Hoặc biết nhưng không biết cách làm sao để phân biệt? Đừng lo, bạn không cô đơn đâu vì Kate tin rằng cũng có rất nhiều bạn cũng trong tình trạng tương tự. Điển hình là Kate, khi chưa học làm bánh, vẫn luôn tưởng rằng bánh mì đơn giản là ổ bánh mì Sài Gòn thường ăn sáng. Vậy đó, mà khi tìm hiểu thì mới biết, để nói về bánh mì thì còn nhiều thứ để nói hơn là gói gọn trong những chiếc bánh mì quen thuộc ấy.
Càng tìm hiểu thì mới thấy, phải nói là thế giới các loại bánh mì phong phú và đa dạng đến đáng ngạc nhiên, hay so sánh một cách hình ảnh thì có thể xem chúng như một vương quốc trù phú trong thế giới của các loại bánh. Nói thế là vì khi mình bắt đầu quan tâm đến các loại bánh thì mới thấy có rất nhiều các loại bánh mì trên thế giới, từ Âu đến Á, gần như là đếm không xuể để có một con số cụ thể. Để phân loại các loại bánh mì, phải thú thực mình cũng không biết là việc khó hay dễ nữa. Dễ vì có thể chia thành 3 loại chính là bánh mì gầy (Lean Yeast Dough), bánh mì béo (Rick Yeast Dough) và bánh mì ngàn lớp (Rolled-in Yeast Dough). Khó là bởi vì cách phân loại này cũng chỉ mang tính chất tương đối, không hề có một hệ quy chiếu nào cụ thể để bạn có thể phân loại bánh mì một cách tuyệt đối chính xác cả.
Các loại bánh mì cực kì phong phú và đa dạng
(Ảnh: Internet)
Vậy nhưng để hiểu rõ hơn, thì mình vẫn sẽ phân loại bánh mì theo cách tương đối này nhé! Nếu bạn có thời gian hoặc muốn tham khảo thêm tài liệu về bánh mì thì tin rằng đây sẽ là một bài viết hữu ích đấy!
Bánh mì gầy – Lean Yeast Dough: Đúng như tên của nhóm, các loại bánh mì gầy là loại mà trong thành phần nguyên liệu có rất ít hoặc hầu như không có các chất béo như dầu ăn, trứng, bơ, sữa,… Nguyên liệu chủ yếu để làm các loại bánh này chủ yếu là bột, men, đường và chút ít sữa. Cũng vì vậy mà hương vị của chúng thường rất nguyên thủy, độ ngọt của bột mì trong bánh cũng không bị lấn át bởi các hương vị khác. Bánh mì Việt Nam có thể liệt vào nhóm bánh mì gầy này. Ngoài ra, các loại bánh mì lúa mạch, bánh mì đen hay một số loại bánh mì ăn kiêng cũng nằm trong nhóm Lean Yeast Dough.
Bánh mì béo – Rich Yeast Dough: Thành phần nguyên liệu của Rich Yeast Dough lại ngược lại hoàn toàn với nhóm bánh mì ở trên. Có nghĩa là trong thành phần nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh mì thường chứa rất nhiều nguyên liệu là chất béo như dầu, bơ, phô mai, và nhiều trứng, đường, sữa,… Vì thế mà các loại bánh mì này thường được yêu thích để ăn trực tiếp chứ không phải kẹp thêm topping như các loại bánh mì gầy. Có thể kể đến loại bánh mì béo “làm mưa làm gió” trong suốt thời gian qua chính là bánh mì bông cúc.
Bánh mì bông cúc – loại bánh mì “làm mưa làm gió” thời gian qua
Tuy nhiên, có một sự thật là việc chia nhóm Lean Yeast Dough và Rich Yeast Dough chỉ mang tính chất tương đối vì không hề có một tiêu chí nào để đánh giá lượng nguyên liệu là chất béo ít hay nhiều trong thành phần làm bánh. Vì thế mà phần phân loại này, Kate thấy chủ yếu là do cảm giác của mỗi người là chính.
Bánh mì ngàn lớp (Rolled-in Yeast Dough): Đây là nhóm bánh mì dễ phân biệt nhất trong 3 nhóm vì có thể phân biệt ngay bằng mắt thường. Nhìn vào bề ngoài của bánh, có thể thấy được vỏ bánh tạo thành “ngàn” lớp y như tên gọi của chúng. Các lớp bột này sẽ được tạo ra bằng cách cán bột xen kẽ với bơ để khi nướng, các lớp bột tách ra để tạo thành “ngàn” lớp như ý muốn. Một trong những loại bánh mì điển hình và phổ biến mà chúng ta thường gặp chính là bánh Croissant của nước Pháp.
Ngoài 3 nhóm bánh mì được phân loại ở trên, còn 1 nhóm nữa cũng được gọi là “bread” – bánh mì chính là Quick bread – Bánh mì nhanh. Tuy nhiên nhóm lại là một nhóm riêng vì các loại bánh thuộc nhóm này có sự khác biệt trong quá trình làm bánh, chúng không trải qua công đoạn ủ bột để men hoạt động mà dùng các chất hóa học để có được tác dụng nở nhanh, không chỉ vậy, các loại bánh mì thường có kết cấu mềm, ngậy hơn khá nhiều so với các loại bánh mì thuộc 3 nhóm kể trên. Một số món bánh trong nhóm này có thể kể đến như muffins, scones, pop overs,…
Kiến thức về phân loại bánh mì thì có lẽ chỉ cần nắm được những thứ cơ bản ở trên là được. Tuy nhiên, để làm bánh mì, không phải chỉ nắm được món bánh đó nằm trong nhóm bánh nào là có thể làm thành công, bên cạnh đó bạn sẽ cần có thêm một số lưu ý nhất định:
- Đầu tiên bạn hãy đảm bảo rằng đã tuyệt đối tôn trọng công thức, và đương nhiên, công thức đó phải được lấy từ một nguồn tin cậy hoặc công thức đã được nhiều người thử và thành công.
- Trong trường hợp muốn thay thế nguyên liệu, hãy đảm bảo rằng nguyên liệu đó không làm thay đổi kết cấu cũng như tính chất bánh. Ví dụ dùng các loại bánh dùng men nở, nếu muốn thay bằng baking soda hoặc baking powder thì phải thay đổi các nguyên liệu khác sao cho phù hợp.
- Nguyên liệu làm bánh cũng là một yếu tố cực kì quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của bánh mì mà chúng ta làm. Đối với tất cả các nhóm bánh mì, bạn nên chọn những nguyên liệu mới, hảo hạng với giá thành hơi cao một chút thì sẽ có được thành phẩm thơm ngon hơn.
Nguyên liệu hảo hạng làm ra những chiếc bánh mì thơm ngon
Trên đây là cách phân loại bánh mì mà Kate áp dụng trong quá trình học làm bánh mì cũng như tham khảo các tài liệu có liên quan trên internet. Mong là những chia sẻ này sẽ giúp bạn có thêm cái nhìn tổng quan và rộng hơn về các loại bánh mì trong thế giới các loại bánh. Hiểu rõ cách phân biệt bánh mì cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình làm bánh đấy! Chúc bạn thành công nhé!
Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!
Ý kiến của bạn