Ký ức tuổi thơ của nhiều người đôi khi chỉ đơn giản là hình ảnh những chiếc bánh chưng, bánh tét thơm nức mũi và hấp dẫn đến lạ kỳ. Thế nhưng, với tôi đó là cả một khoảng trời tươi đẹp khi cả nhà cùng nhau gói bánh chưng, nấu bánh… Tết này, tôi nhớ bánh Chưng nhưng lại không phải vì thèm, mà là vì nỗi nhớ hương quê da diết.
Ngày đó, không phải nhà nào cũng đủ dư dả để mà hối hả sắm đồ Tết như bây giờ, nhưng cho dù là thiếu thốn thế nào thì vẫn không thể thiếu những nồi bánh chưng. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, tiễn ông Công ông Táo về trời, ngoài sự háo hức trong không khí Tết đến xuân về thì lũ trẻ chúng tôi còn háo hức, mong chờ hơn nữa những chiếc bánh Chưng gói vuông vắn trong chiếc lá dong, mùi gạo thơm nức mũi, nhân bánh béo ngậy, bùi bùi vô cùng quyến rũ.
Cả nhà cùng quây quần gói bánh Chưng (Ảnh: Internet)
Niềm vui giản đơn đến từ nồi bánh chưng…
Thời đó, các gia đình phải chuẩn bị rất lâu cho nồi bánh Chưng ngày tết. Lá dong phải mua từ sớm để chọn được nhiều lá đẹp, gạo nếp phải chọn loại gạo ngon hay nếp cái hoa vàng, đỗ xanh loại ngon, hạt nào hạt nấy tròn đều, tất cả phải chuẩn bị trước cả tháng. Bánh nấu lâu nên củi, gỗ nhiều nhà đã chuẩn bị từ vài tháng trước mới đủ.
Những ngày cận tết, khi người lớn đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm bánh Chưng như: thịt, gạo, đỗ xanh, hành tím… thì bọn trẻ chúng tôi thường tranh nhau công việc rửa lá dong. Tưởng như đó là một công việc đơn giản, thế nhưng nó lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay để không làm rách lá. Lá dong phải rửa sạch cả hai mặt lá, tráng lại bằng nước sạch, sau khi rửa thì phơi cho ráo nước, trước khi gói bánh sẽ được lau khô lại một lần nữa để đảm bảo lá sạch sẽ hoàn hoàn, nếu lá còn bẩn thì bánh sẽ nhanh hỏng.
Lá dong làm bánh phải thật sạch mới bảo quản bánh được lâu
Xong công đoạn rửa lá, chúng tôi sẽ cùng nhau đãi đỗ xanh, vo gạo cho thật sạch. Cái cảm giác được xoa tay vào rổ đỗ, nắm từng nắm gạo trên tay tỏa hương thơm ngào ngạt của loại nếp cái hoa vàng quả thật dễ khiến người ta xao xuyến. Bí quyết làm bánh Chưng ngon là phần gạo và đỗ cần được ngâm trước từ 6 – 8 tiếng cho mềm hơn, khi luộc bánh sẽ dễ rền gạo, chắc, từng miếng bánh sẽ thơm ngon, hấp dẫn.
Gia đình tôi thường gói bánh vào những ngày 27, 28 tết, bởi gói sớm thì không có thời gian, gói muộn thì cận Tết bận rộn nhiều việc khác. Khi đó, cả nhà cùng quây quần bên chiếc chiếu nan thi nhau nói cười vui vẻ, tay thoăn thoắt gói từng bát gạo, bát đậu, thịt mỡ thơm nức mũi rồi tỉ mỉ gói ghém góc cạnh lá, buộc lạt sao cho đều, cho đẹp. Tôi cũng lân la đến gần, chọn cho mình một góc chiếu rồi cẩn thận chọn lá dong, tự lau khô để làm cho mình vài chiếc bánh. Đó là niềm hạnh phúc của tuổi thơ mà mãi đến sau này tôi cũng chưa một lần quên đi.
Bánh Chưng phải biết cách gói mới đều và đẹp mắt
Bí quyết gói bánh Chưng vừa nhanh vừa đẹp…
Nhà nào cũng có bí quyết làm bánh Chưng ngon, vậy nên chúng tôi cứ nhìn theo người lớn mà làm, nhìn thì dễ nhưng để có được một chiếc bánh vừa ngon vừa đẹp quả thật không hề đơn giản. Bởi cũng bát gạo, bốc đỗ, nhân thịt, thêm chút hành phi thơm…, thế nhưng bàn tay trẻ con thường nhỏ và không đủ lực để xiết lạt chặt như người lớn nên khi buộc, bánh ra cái nào cũng xiêu xiêu, vẹo vẹo…
Thầy u thường dặn, để gói bánh Chưng không bị vỡ khi luộc thì mỗi chiếc bánh phải dùng vài lớp lá dong để phủ bên ngoài. Lớp lá này không chỉ để giữ bánh mà còn để tạo hình dáng đẹp mắt, vuông vắn đúng chuẩn. Gói lá đã kỳ công như vậy, đến khi nấu bánh còn phải biết cách xếp sao cho những chiếc bánh nhỏ ở trên cùng, nếu không chỉ qua 1 lần châm nước bánh sẽ bị nát, vỡ hay lộ nhân ngay.
Luộc bánh Chưng có thể là thời khắc vui vẻ nhất trong suốt mùa tết, cả nhà cùng quây quần bên bếp củi đỏ lửa… Người lớn thì chơi tam túc, tú lơ khơ, không thì ngồi nhâm nhi tách trà, miếng mứt ngọt trò chuyện vui vẻ, trẻ con thì kiếm thêm vài củ khoai, cái bắp ngô, chuối hay cả mía lùi vào lòng bếp đầy những than hồng vô cùng hấp dẫn. Chỉ cần một nhoáng, những món “đặc sản hương quê” sẽ ra lò, vài đứa túm lại xuýt xoa vừa thổi vừa ăn, miệng đứa nào cũng dính vài chỗ đen đen của nhọ nồi. Chỉ vậy thôi đã đủ thấy ấm lòng!
Ký ức về những buổi nấu bánh Chưng chưa bao giờ tôi quên (Ảnh: Internet)
Tết này, tôi nhớ bánh Chưng không phải vì thèm… mà là nhớ vị quê hương….
Sáng sớm hôm sau, việc đầu tiên tôi làm chính là nhanh chân bước ra khỏi giường, chạy vội ra xem những chiếc bánh tự tay mình gói thế nào, liệu bánh có bị nát không? Khuôn mặt háo hức, niềm vui lan tỏa chờ đón thành quả mà mình đã loay hoay cả buổi mới làm ra. Không còn chờ đợi gì nhiều hơn, tôi vội vàng bóc ngay chiếc bánh rồi thưởng thức… Từng miếng bánh thơm nức mùi gạo nếp, dẻo ngon, nhân bánh bùi bùi với lớp đậu xanh, béo ngậy với thịt mỡ, có chút vị nồng nồng của hạt tiêu, vị thơm của hành hòa quyện với nhau, quả thật chiếc bánh ngon không gì sánh bằng!
Tết xưa với tôi là vậy, Tết nay đám trẻ chẳng được trải qua tuổi thơ êm đềm như thế, bởi mọi thứ đều được mua sẵn mang về… Tết nay, lũ trẻ chỉ háo hức tính nhẩm nhẩm mình được bao nhiêu tiền mừng tuổi, được đi đâu chơi, mua quần áo gì… Thế nên, tôi nhớ bánh Chưng không phải vì thèm, mà là tôi nhớ vị quê hương…
Tản mạn, viết cho những ngày cận tết! Đừng quên theo dõi Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) để cập nhật cho mình những thông tin mới nhất về nghề bánh nhé.
Ý kiến của bạn