Bánh đúc nhân mặn không chỉ hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon, đậm đà mà còn bởi độ mềm mại, dẻo mịn của từng miếng bánh. Cách làm bánh đúc mặn không quá khó, bạn chỉ cần chuẩn bị vài nguyên liệu cơ bản và thực hiện các bước làm chi tiết được hướng dẫn trong bài viết này là đã có ngay mẻ bánh siêu ngon chiêu đãi cả nhà.
Bánh đúc nhân mặn là món ăn dân dã, quen thuộc được ưa thích dùng trong cả những bữa sáng vội vã đến những bữa xế thư thả. Với lớp bột mỏng mịn dùng chung với phần nhân thịt đậm đà cùng nước chấm chua chua ngọt ngọt lạ miệng khiến không ít người say đắm. Không những thế, công thức làm bánh đúc nhân mặn còn cực kỳ đơn giản.
Bánh đúc mặn thơm ngon, hấp dẫn (Ảnh: Internet)
Chỉ mất khoảng hơn 30 phút chuẩn bị cùng nguyên liệu quen thuộc, các chị em nội trợ đã có thể chuẩn bị cho gia đình, bạn bè của mình một bữa xế bổ dưỡng cho dịp cuối tuần rồi đấy. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không cùng Daylambanh.edu.vn xắn tay vào bếp để học cách làm bánh đúc nhân mặn dân dã độc đáo theo phong cách người miền Nam nào!
Nguyên liệu làm bánh
- Bột gạo: 450gr
- Bột mì: 50gr
- Tôm tươi: 300gr
- Thịt bằm: 200gr
- Nước cốt dừa: 400ml
- Sắn: 1 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Tỏi băm nhuyễn: 2 củ
- Hành tây: 1 củ
- Gia vị nêm nếm: muối, tiêu, đường, bột ngọt, hạt nêm.
Hướng dẫn làm bánh đúc nhân mặn
Sơ chế nguyên liệu
Bột gạo, bột mì trộn đều rồi rây mịn. Sắn, cà rốt, hành tây bỏ vỏ, rửa sạch với nước muối rồi xả lại bằng nước lạnh và cắt hạt lựu.
Rây cho bột thật mịn khi làm bánh sẽ mịn mượt hơn
Làm phần nhân bánh
Đầu tiên, bạn bắt chảo dầu nóng lên và xào thịt bằm, tôm cắt hạt lựu. Khi thịt đã chín, bạn nêm nếm gia vị: muối, tiêu, đường sao cho vừa ăn rồi thêm sắn, cà rốt và hành tây vào xào chung. Khi các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, bạn nêm nếm lại lần nữa cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Xào nhân bánh (Ảnh: Internet)
Công đoạn để bột nghỉ
Bạn cho hỗn hợp đã rây mịn vào trộn đều cùng nước cốt dừa, muối và 1 lít nước lạnh. Sau khi hỗn hợp bột đã mịn, không còn bọt bong bóng thì bạn dùng màng thực phẩm bọc kín lại rồi cho để nở trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Hấp bánh đúc
Sau thời gian để bột nghỉ, bạn cho vào xừng hấp chín trong khoảng 20 phút với lửa nhỏ vừa. Khi hỗn hợp chín, bạn để nguội rồi cắt thành các lát nhỏ vừa ăn.
Làm nước chấm chua ngọt
Làm nước mắm (Ảnh: Internet)
Bạn cho khoảng 30ml nước mắm vào chén nhỏ rồi thêm ớt, tỏi bằm vào khuấy đều. Tiếp đó, bạn thêm khoảng 20ml nước ấm cùng 5ml cốt chanh và 2 muỗng đường cát trắng hòa tan. Để nước chấm có độ béo, trước khi dùng bạn có thể phi thêm một ít hành tím và rước lên trên mặt nước chấm.
Hoàn thành và thưởng thức
Bánh đúc sau khi hấp chín bạn lấy ra cho vào chén hoặc tô, chan thêm nước mắm đã pha rồi thưởng thức.
Thành phẩm bánh đúc thơm ngon (Ảnh: Internet)
Yêu cầu thành phẩm
Bánh đúc mặn miền Tây sau khi làm sẽ có hương vị thơm nức mũi vô cùng hấp dẫn. Từng miếng bánh mềm mịn, dẻo, có độ dai, giòn lạ miệng. Nhân bánh thơm ngon, đậm đà vừa phải. Nước chấm vừa ăn, không bị gắt.
Những điều cần lưu ý khi làm bánh đúc nhân mặn tại nhà
- Khi ướp và xào nhân bánh bạn nên nêm nhạt một chút để món bánh vừa ăn khi chan cùng nước chấm.
- Trong công đoạn trộn và khuấy bột làm bánh bạn nên lưu ý khuấy đều tay sao cho hỗn hợp hòa quyện với nhau. Khi nhấc đũa hoặc muỗng lên sẽ thấy bột dính vào nhau, nhưng không phải là dính dẻo mà là dính theo kiểu đứt đoạn.
- Nếu thấy bột bánh đặc quá thì cho thêm chút nước, hoặc có thể cho thêm chút dầu ăn vào khuấy lên cho thật đều.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong công thức làm bánh đúc mặn để chiêu đãi cả nhà rồi. Ngoài ra, bạn còn có thể tham khảo thêm công thức làm bánh đúc miền Nam hoặc cách làm bánh đúc chay để thay đổi khẩu vị mỗi ngày nhé. Hi vọng với bí quyết làm bánh trên đây bạn sẽ làm thành công món bánh ngon để chiêu đãi cả nhà. Chúc bạn thành công với đam mê nấu nướng!
Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!
Ý kiến của bạn