Há cảo hay còn được gọi là Dimsum, là một món ăn quen thuộc của người Trung Hoa nhưng đang dần phổ biến ở Việt Nam. Cách làm há cảo không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ, bạn hoàn toàn có thể làm được món ăn siêu ngon này tại nhà với công thức được hướng dẫn dưới đây của Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu)
Nhắc đến há cảo là nghĩ ngay đến phần vỏ bánh mỏng tanh, mềm mại, thấy được nhân bên trong. Khi cắn một miếng, phần nước tôm thịt bên trong trào ra ngoài, đậm đà cực kỳ hấp dẫn. Há cảo có rất nhiều loại vì có thể thay thế phần nhân bên trong bởi nhiều nguyên liệu khác nhau tùy theo sở thích và hương vị của mỗi người như: há cảo thủy tinh, há cảo tôm, há cảo thịt, há cảo cua, há cảo mực, há cảo chay,… Bạn có muốn thử sức với cách làm há cảo hấp trong công thức dưới đây không? Chắc chắn chỉ vài công đoạn đơn giản bạn sẽ làm thành công ngay món ăn ngon để chiêu đãi cả nhà đấy!
Há cảo là gì? Nguồn gốc?
Há cáo được biết đến là một món ăn truyền thống của người Trung Quốc, có hai phần là vỏ và nhân. Vỏ bánh được làm từ bột há cảo, bột mì, bột năng còn nhân bánh là sự kết hợp của đa dạng nguyên liệu khác nhau như tôm, thịt, rau củ quả… Người Trung Quốc thường thích ăn há cảo hấp nhưng cũng có cách chế biến khác là chiên hoặc luộc cũng rất hấp dẫn.
Về lịch sử ra đời của há cảo thì tương truyền món ăn này xuất hiện lần đầu tiên tại Triều Châu và được xem như một loại bánh bao với lớp vỏ trắng đục, mềm dai, phần nhân tôm trộn cùng hành lá có màu hồng bắt mắt, thơm ngon. Về sau, người ta mới đặt cái tên “há cảo” cho món bánh này.
Trong văn hóa ẩm thực của người Trung Quốc, há cảo thường dùng làm món khai vị hoặc bữa sáng. Bánh dễ ăn, không nhiều dầu mỡ và no lâu nên được lòng rất nhiều thực khách quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, người Trung Quốc còn ăn há cảo vào những ngày Tết vì quốc gia này xem há cảo là biểu tượng của may mắn, hạnh phúc và đoàn viên, có ý nghĩa nhắc nhở những người con xa xứ nhớ về quê hương.
Há cảo khác sủi cảo như thế nào?
TIÊU CHÍ | HÁ CẢO | SỦI CẢO |
---|---|---|
Nguồn gốc | Triều Châu – Trung Quốc | Năm 25 – 220 sau Công Nguyên, tên gọi ban đầu là “tai mềm” |
Phần nhân | Tôm cắt nhỏ hoặc băm, thịt băm cùng các loại rau củ quả, nêm nếm gia vị theo sở thích. | Tôm đã lột vỏ, để nguyên con, thịt băm, cải thảo và gia vị. Vị tôm của sủi cảo rất đặc trưng. |
Cách tạo hình | Đòi hỏi cao ở sự khéo léo | Đơn giản hơn |
Cách chế biến | Hấp, chiên (có luộc nhưng rất ít) | Luộc, chiên |
Cách làm há cảo hấp
Nguyên liệu
Nhân há cảo
- Cá thác lác: 200 gram
- Tôm sú băm: 500 gram
- Muối: 4 gram
- Bột ngọt: 12 gram
- Đường: 20 gram
- Hạt nêm: 3 gram
- Tiêu xay: 2 gram
- Dầu mè: 2 gram
- Bột năng: 12 gram
- Đầu hành: 10 gram
- Hành tím: 10 gram
- Chân ngò: 10 gram
- Mỡ cao bằm: 20 gram
Vỏ há cảo
- Bột há cảo sanh ký: 400 gram
- Muối: 5 gram
- Nước sôi: 400ml
- Dầu ăn
Nước chấm há cảo ăn kèm
- Nước tương: 70ml
- Giấm tiều: 30ml
- Đường: 5 gram
- Tương ớt: 5 gram
Các bước thực hiện
Làm vỏ há cảo
- Cho bột há cảo sanh ký và những nguyên liệu làm phần vỏ đã chuẩn bị vào một chiếc âu, trộn lên đến khi thu được một khối bột đồng nhất rồi ủ khoảng 10 phút.
- Rắc một ít bột khô lên mặt bàn, cho bột đã ủ xong lên và tiến hành nhào để bột thật mịn màng. Sau đó chia bột thành ba phần bằng nhau.
- Lăn từng phần bột thành các sợi dài, tiếp theo chia thành các viên có trọng lượng khoảng 10 gram.
- Dùng cây cán bột cán mỏng từng viên bột ra. Để không bị dính tay, bạn nên rắc một ít bột khô ra bàn trước khi cán.
Làm nhân há cảo
- Cho cá thác lác và tôm sú băm vào tô, ướp tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào, dùng tay bóp và trộn đều.
- Thêm đầu hành, hành tím và chân giò vào hỗn hợp nhân, tiếp tục trộn rồi cho mỡ cao bằm vào trộn thật đều tay.
Gói há cảo
Cho nhân vào chính giữa những chiếc vỏ há cảo đã chuẩn bị, sau đó gập đôi miếng bột lại.
Lưu ý: Một nửa phần vỏ bạn giữa nguyên, còn một nửa còn lại xếp nếp cho đẹp nhé. Làm như vậy cho đến khi hết phần nhân và bột còn lại.
Hấp há cảo
- Lấy xửng hấp ra, phết một lớp dầu ăn mỏng vào xửng hoặc lót giấy nến để chống dính.
- Đặt xửng lên nồi, đun sôi nước rồi lần lượt xếp từng viên há cảo vào hấp từ 10 – 15 phút.
- Khi thấy bỏ bánh trong thì có nghĩa bánh đã chín.
Làm nước chấm há cảo
Khuấy đều nước tương, giấm tiều, đường rồi cho thêm tương ớt vào khuấy cùng là xong phần nước chấm.
Yêu cầu thành phẩm
Há cảo ngon đúng điệu sẽ có vỏ bánh dai mềm, phần nhân tôm thịt bên trong đậm đà hương vị, có nước ngọt thơm. Khi ăn há cảo cùng nước chấm bạn sẽ phải xuýt xoa trước độ ngon đặc biệt của món ăn này.
Cách làm há cảo chiên
Ngoài công thức làm bánh há cảo hấp trên đây, bạn cũng có thể áp dụng để làm món bánh há cảo chiên giòn thơm ngon. Sau khi làm xong viên há cảo, bạn bắc chảo lên bếp, đổ dầu vào đợi nóng già rồi thả há cảo vào chiên đến khi chín vàng đều thì vớt ra, để ráo dầu. Há cảo chiên cũng chấm với nước chấm tương tự như há cảo hấp.
Cách làm há cảo luộc
- Bắc nồi lên bếp, đổ nước vào đun sôi rồi thả từng chiếc há cảo vào nồi. Dùng đũa đảo thật nhẹ nhàng để há cảo không bị dính vào nhau.
- Chỉnh lửa vừa và luộc đến khi há cảo nổi lên mặt nước, phần vỏ trong thì vớt ra âu đựng nước lạnh để một chút rồi vớt ra đĩa ngay.
Lưu ý khi làm há cảo
- Không hấp há cảo quá lâu vì thành phẩm sẽ bị nhão. Tương tự, nếu chiên hoặc luộc há cảo bạn cũng cần cân chỉnh thời gian vừa đủ thì bánh mới ngon.
- Nếu bột quá khô thì cho thêm một chút nước, ngược lại khi bột nhão thì bạn thêm bột bánh vào nhào cùng để có được một khối bột dẻo mịn vừa phải.
- Bột cần được nhào thật kỹ để vỏ bánh không bị vón cục và đẹp mắt.
Mặc dù là món ăn Trung Hoa nhưng cách làm há cảo đơn giản, dễ làm chứ không hề cầu kỳ phải không? Bạn hãy vào bếp trổ tài ngay với cách làm há cảo để chiêu đãi cả nhà thôi nào! Hướng dẫn công thức trên cũng đã giúp bạn giải đáp thắc mắc làm há cảo bằng bột gì? và nhân há cảo như thế nào? Bạn có thể mua sẵn bột há cảo ở những nơi bán nguyên liệu làm bánh để tiết kiệm thời gian chế biến. Chúc bạn thành công và ngon miệng với món bánh há cảo đơn giản này nhé!
Ý kiến của bạn