Muối được xem là loại gia vị có công dụng làm cho các món ăn và các loại bánh thêm phần đậm đà và cân bằng hương vị hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng thật sự hiểu về các loại muối trong làm bánh, kiến thức về tên gọi của các loại muối trong tiếng Anh và cách sử dụng như thế nào. Chúng ta cùng tìm hiểu ở bài viết này.
Nhắc đến muối đa phần mọi người chỉ nghĩ đến công dụng chính của chúng là tăng thêm độ đậm đà cho các món ăn, do vậy mà muối luôn được xem là một loại gia vị mặn được sử dụng để chế biến các món ăn hoặc sử dụng trong làm. Muối đóng vai trò khá quan trọng trong việc quyết định về độ mặn – nhạt và sự ngon miệng, tuy nhiên muối không chỉ có một loại mà chúng còn có nhiều loại khác nhau do sự kết cấu tinh thể khác nhau.
Muối không chỉ là gia vị tạo nên độ đậm đà mà còn giúp kích thích vị giác khá tốt
(Ảnh: Internet)
Chúng ta thường thấy có 3 loại muối chính được sử dụng trong chế biến món ăn và sinh hoạt thường ngày như: muối biển (sea salt) – muối tinh (table salt) – muối Kosher (Kosher salt). Thực chất sự khác biệt giữa 3 loại muối này có thể khiến bạn và rất nhiều người khác cảm thấy ngỡ ngàng, tuy nhiên muối cũng không chỉ dừng lại ở 3 loại này mà còn có thêm nhiều loại khác nữa. Do vậy, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn kiến thức tổng hợp về các loại muối sử dụng trong làm bánh và chế biến món ăn, tên tiếng Anh của muối và cách sử dụng nguyên liệu làm bánh này đúng cách nhất để tăng thêm vị đậm đà cần thiết.
Công dụng của muối trong làm bánh
Nếu như dao được xem là vũ khí quan trọng nhất trong nhà bếp thì muối được xem là gia vị chủ lực quyết định được sự thành – bại hay mặn – nhạt của món ăn khi chế biến. Tương tự như vậy, muối trở thành một loại gia vị mang lại vị đậm đà cho các món bánh. Không những vậy muối còn có vai trò như một “ảo vị” nếu được cho vào cùng với đường để làm bánh, hai loại gia vị này đều rất ngon và cho cả hai vào cùng thì còn ngon hơn nhiều lần.
Không chỉ là gia vị mang đến vị giác tốt mà còn khiến cho việc kích thích vị giác trở nên tốt hơn để tăng thêm chất lượng khi nếm. Trên thực tế lưỡi con người có hàng ngàn tế bào cảm thụ vị giác và một số tế bào khác nằm trong đường ruột, khi chúng ta ăn đường một số vị giác này được hoạt động. Tuy nhiên khi cho thêm một chút muối thì những tế bào khác sẽ được chạm đến và hoạt động mạnh mẽ hơn nhiều lần, khi đó một chút muối nhỏ sẽ làm cho đường “tăng sức mạnh” vị ngọt gấp đôi và khiến cho món bánh trở nên ngon hơn.
Tổng hợp một số loại muối các chị em nội trợ cần biết
Khi hiểu về công dụng của muối trong làm bánh được nói đến ở trên chắc hẳn bạn đã hiểu tại sao hôm nay chúng ta cần tìm hiểu về loại gia vị này. Những loại muối cơ bản trên thực tế được nhắc đến do sự kết cấu tinh thể khác nhau, tạo nên những tính chất, đặc điểm, công dụng và có cách sử dụng khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu về chúng một cách tổng quát nhất trước khi bắt tay vào làm bánh và chế biến món ăn.
Các nhóm muối chính
Muối tinh (Table salt)
Muối tinh được sử dụng trong một số công thức làm bánh thông dụng
(Ảnh: Internet)
Muối tinh (Table salt) là gì?
Muối tinh là loại muối có kết cấu tinh thể với hình khối vuông, kích thước tinh thể có hình dạng nhỏ nhất trong thế giới các loại muối. Chính vì điều này mà khi thực hiện việc quan sát chúng qua mắt thường chúng ta sẽ thấy các hạt muối tinh đều nhau và có độ mịn hơn so với nhiều loại muối khác. Muối tinh có tên tiếng anh là Table salt, loại muối này được khai thác ở các mỏ muối ngầm nên không hay bị vón cục do chúng có chứa nhiều chất chống hút ẩm như calcium silicate.
Cách sử dụng muối tinh (Table salt)
Đúng như tên thường gọi của loại muối này, chúng thường được đặt trên bàn và sử dụng để nêm nếm thức ăn khi món ăn đã hoàn thành mà chưa đủ độ đậm đà. Ngoài ra đây thường được chọn làm loại muối sử dụng nhiều trong quá trình làm bánh, một cách khác bạn có thể rắc thêm một chút muối tinh lên mặt bánh để chiếc bánh ngon miệng hơn.
Tuy nhiên khi sử dụng muối tinh cần lưu ý đến độ mặn của muối, loại muối này có độ mặn cao nên bạn chỉ cần sử dụng một lượng vừa đủ.
Muối Kosher (Kosher salt)
Loại muối này không quá mặn và thường có kích thước lớn hơn muối tinh
(Ảnh: Internet)
Muối Kosher (Kosher salt) là gì?
Muối Kosher salt là loại muối ít tinh luyện hơn do kết cấu tinh thể được hình thành ở dạng mảnh, to và có hình dáng tương tự như hình kim tự tháp rỗng. Bông muối này thường lớn hơn và có phần không kết chặt lại với nhau, do vậy mà hình dạng muối Kosher thường thô, kích thước to hơn và không có độ mịn.
Cách sử dụng muối Kosher
Loại muối này không có độ mặn cao như muối tinh mà chỉ mặn ở mức độ vừa phải, do vậy mà chúng thường được các đầu bếp chuyên nghiệp sử dụng nhiều và có phần ưa chuộng hơn. Khi sử dụng loại muối này chúng ta có thể điều chỉnh được lượng muối được nêm nếm vào thực phẩm trước – trong và thậm chí là sau khi nấu.
Loại muối Kosher này được chọn để ướp các loại thịt gà hay thịt heo trước khi nấu, bởi chúng có hình tinh thể mảnh để giữ được độ ẩm bên trong cho miếng thịt. Điều này giúp cho thịt mềm hơn, thịt bò có thêm vị ngọt, ức gà mềm và ẩm hơn. Trong làm bánh bạn cũng có thể sử dụng loại muối này để thêm vào bột khi trộn trong một số công thức làm bánh.
Muối biển (sea salt)
Muối biển không chỉ dùng trong chế biến thực phẩm, làm bánh mà còn dùng để làm đẹp
(Ảnh: Internet)
Muối biển (sea salt) là gì?
Muối biển là loại muối có tinh thể khá lộn xộn và không đồng nhất do chúng được sản xuất trực tiếp từ nước biển. Loại muối này khá thông dụng, tuy nhiên chúng lại ít được trải qua những công đoạn xử lý và chế biến. Do vậy mà lượng cặn các khoáng chất trong loại muối này thường cao hơn so với các loại khác, điều này có thể làm cho muối bị đổi màu.
Cách sử dụng muối biển (sea salt)
Muối biển thường có hai loại nhỏ hoặc vừa tùy theo kích thước và kết cấu tinh thể của chúng. Tuy cùng là muối biển nhưng hai loại muối này lại có những công dụng khác và cách dùng khác nhau.
Muối biển ở dạng nhỏ thường được sử dụng để ướp các loại thịt có màu đỏ hay ướp những loại hải sản, cá, tôm. Chúng không chỉ làm cho các món ăn thêm đậm đà mà còn làm cho hương vị của các loại hải sản được dậy lên. Ngoài ra loại muối này còn được dùng để nêm nếm các món ăn khi đã chế biến xong.
(Muối hột – Gros Sel): Muối biển ở dạng hạt vừa thường ít sử dụng trong việc nêm nếm thực phẩm mà chúng đa phần được dùng để rửa các loại thịt, cá khác. Do có dạng hạt to nên việc bề mặt muối chà sát trên thịt, cá tốt hơn giúp loại bỏ được chất bẩn và bớt được mùi tanh trên thực phẩm.
Loại muối biển này thường ít được sử dụng trong quá trình làm bánh.
Một số loại muối khác
Muối xám (Sel Gris)
Muối xám được dùng trong làm lớp vỏ bánh tart
(Ảnh: Internet)
Loại muối xám được kết tinh từ nước biển, người ta thu chúng bằng cách cào từ lớp cặn được lắng xuống đáy hồ để làm muối. Muối có màu xám cũng chính vì vậy mà giàu khoáng chất, muối có dạng hạt thô và thích hợp để ướp các loại thịt nhiều mỡ cũng như ướp rau củ nướng. Loại muối này cũng được dùng trong lớp vỏ bánh tart.
Muối mảnh (Flake salt)
Muối mảnh thường dùng để trộn salad hoặc làm bắp rang
(Ảnh: Internet)
Muối mảnh được sản xuất bằng cách thực hiện việc đun sôi và làm bay hơi lượng nước biển, chúng được thay đổi cấu trúc tinh thể và kết thành những hạt đa diện và dẹt. Hàm lượng chất vi khoáng có trong muối mảnh khá ít so với những loại muối khác nên chúng không có độ mặn cao. Loại muối mảnh này được lựa chọn làm gia vị để trộn các loại salad rau quả tươi hay thực hiện làm bắp rang, chúng rất giòn và không quá mặn.
Muối hoa (Fleur de Sel)
Muối hoa khá nhỏ và mịn, chúng được lấy từ lớp váng trên mặt hồ muối
(Ảnh: Internet)
Muối hoa được xem là loại muối được thu hoạch thủ công từ những hồ làm muối, cũng giống như muối xám. Loại muối hoa này có điểm khác biệt chính là lớp muối được kết tinh trên bề mặt hồ mà chưa chìm xuống đáy. Người ta lấy lớp muối này tương tự như hớt phần váng trên mặt và đập chúng thành những tinh thể nhỏ khá mịn. Loại muối này có vị dịu nhẹ và chúng không chứa thành phần sulfate.
Muối hun khói
Muối hun khói khá đặc biệt vì chúng được thêm công đoạn chế biến bằng cách hun khói trên than hoa cháy chậm để các tinh thể muối được ngấm hương vị khói. Điều này sẽ làm cho muối trở nên tuyệt hảo hơn, chúng thường được dùng kèm với thịt nướng, khoai tây, rau củ đút lò và dùng gỗ sồi, gỗ hồ đào để hun.
Trên đây là tổng hợp những loại muối trong làm bánh và chế biến món ăn, qua những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại muối, biết thêm một số loại muối cũng như tên gọi của muối trong tiếng Anh. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng phân biệt hơn nếu cần sử dụng đến những công thức nấu ăn tiếng nước ngoài, đồng thời với những phân biệt về cách sử dụng trên sẽ giúp bạn phân biệt muối dùng trong nhiều công thức làm bánh ngon và các loại muối dùng trong nấu ăn. Chúc bạn thành công với niềm đam mê nấu nướng của mình!
Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng kí” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!
Ý kiến của bạn