“Nếu đậu đại học bố mẹ sẽ mở tiệc lớn để chiêu đãi mọi người”, đây không chỉ là mong muốn của bố mẹ tôi và của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ khác. Điều này cho thấy tư tưởng của người Việt ta vẫn còn trọng bằng cấp nhưng ngày nay, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi.
Nhiều người vẫn cho rằng làm gì thì làm, trước hết phải có được tấm bằng đại học. Nhưng nếu lỡ giấc mơ của các bạn trẻ không phải là giảng đường hoặc chẳng may cánh cửa ấy khép lại sau bao cố gắng, nổ lực thì phải làm sao? Từ cổ chí kim, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học nhưng học cái gì? Học như thế nào? thì từ ngàn đời nay đã bị mắc kẹt trong tư tưởng “sính bằng”.
Giảng đường Đại học là giấc mơ của nhiều người nhưng không phải là tất cả
(Ảnh: Internet)
Ngay từ khi mới vào lớp 1, bố mẹ đã luôn nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của bằng Đại học. Nó như tấm vé “thông hành” cho một tương lai xán lạng mà ai cũng mơ ước. Tôi chắc rằng có không ít bạn trẻ cũng giống mình nhưng khi đi làm tôi mới nhận ra năng lực và kinh nghiệm mới là hành trang quý báu nhất giúp tôi tìm một công việc tốt và xây dựng cuộc sống mà mình mong muốn. Quyết tâm vào đại học, chuyện ấy xưa rồi, nếu muốn thành công bạn phải chứng tỏ được năng lực của mình và không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Dù là bất cứ ngành nghề nào thì không ai từ chối một người làm việc hiểu quả chỉ để nhận về một nhân viên có bằng cấp cao nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tư tưởng “sính bằng” là một vấn đề nhứt nhối đã lâu ở nước ta và đến bây giờ vẫn chưa có chiều hướng “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ huynh và các bạn trẻ thay đổi quan niệm, có cái nhìn đa chiều hơn về việc này. Để có một nghề nghiệp ổn định, một cuộc sống tốt hơn, các bạn trẻ có thể lựa chọn nhiều con đường khác nhau tùy thuộc vào năng lực của mình. Hơn ai hết, bản thân tôi và các bạn trẻ ngày nay đang dần nhận ra tầm quan trọng của việc trau dồi và rèn luyện bản thân không chỉ ở trên ghế nhà trường mà ở trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn học nghề để làm bước đệm cho tương lai
Năng lực và bằng cấp có tỉ lệ thuận với nhau hay không? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà tuyển dụng đã dần tìm ra câu trả lời. Khi phỏng vấn xin việc, điều được quan tâm nhiều nhất không phải bạn đạt được bao nhiêu điểm khi ngồi trên ghế nhà trường mà là năng lực của bạn tới đâu và bạn cầu tiến như thế nào. Ngày càng có nhiều ngành nghề mới ra đời với nhu cầu tuyển dụng cao nhưng chỉ cần thợ lành nghề và đang rất “khát” nguồn nhân lực này.
Những bạn trẻ mạnh dạn chọn học nghề ngay khi tốt nghiệp THPT, điều này rất đáng khích lệ. Câu chuyện cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ thất nghiệp ở nước ta không còn xa lạ và đối với thế hệ trẻ, tìm một hướng đi mới là điều cực kỳ cần thiết. Ai cũng mông lung khi đứng trước quyết định quan trọng như chọn nghề nhưng nếu chọn được nghề mình yêu thích thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trăm ngàn ngã rẽ chi bằng chọn một ngã mà bản thân mình cảm thấy phù hợp nhất.
Dám khác biệt là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công
Cuộc sống được hình thành dựa trên quy luật hai chiều: thiện – ác, xấu – đẹp… không có gì là duy nhất kể cả việc học. Học Đại học hay học nghề đều có cái hay của nó nhưng cái đích cuối cùng là làm sao trong quá trình đó bạn trau dồi được khả năng, tích lũy kinh nghiệm và tự tin khi làm việc. Nếu cảm thấy điều đó là đúng và bản thân có thể làm tốt nhất thì không nên từ bỏ. Làm điều ngược lại với số đông, bị đàm tiếu không đáng sợ bằng việc bạn trốn tránh chính bản thân mình. Có thể bạn sẽ phải bước đi một mình nhưng đừng quên cái giá của sự trưởng thành là vấp ngã. Đó là lí do vì sao xương rồng gai góc, mạnh mẽ, hiên ngang dưới cái nóng như thiêu vào ban ngày và cái lạnh thấu xương vào ban đêm mà không phải loài nào cũng làm được.
Tương lai của bạn hãy do chính bạn quyết định. Sợ hãi là kẻ thù của thành công và hạnh phúc chỉ đến khi bạn là chính mình. Những con số, n thống kê, thông tin về chuyện thất nghiệp đã quá nhiều, chúng ta không cần nhắc lại. Điều quan trọng nhất bạn cần làm là chọn con đường phù hợp nhất với mình và cố gắng đến cùng. Không ai cười một người làm việc tốt không có bằng cấp nhưng chắc chắn học cao, bằng này bằng kia mà đứng núi này trong núi nọ, làm việc không tới đâu thì sẽ không được trọng vọng.
Ý kiến của bạn