Bánh chưng là một trong những loại bánh dân tộc truyền thống của dân tộc Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa. Nguyên liệu làm bánh chưng khá đơn giản với gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, cùng Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) xem những tổng hợp bí quyết gói bánh chưng đẹp, chắc với công thức đơn giản nhất.
Món bánh chưng đậm đà hương vị truyền thống
Bánh chưng là một món bánh truyền thống của mỗi dịp tết truyền thống của người Việt, dù có đi đâu người ta cũng nhớ về chiếc bánh chưng xanh ngày tết. Nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh chưng để cúng gia tiên như một cách để “uống nước nhớ nguồn”. Nguyên liệu gói bánh chưng cực kỳ đơn giản với gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, hành, được gói vuông vức với lá dong hay lá chuối. Tuy nhiên từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu gói và luộc bánh được xem là cả một nghệ thuật rất độc đáo và công phu mà không phải ai cũng có thể làm thành công. Để gói được những chiếc bánh chưng đẹp và ngon chúng ta cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Gói bánh chưng ngày tết từ lâu đã là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam
(Ảnh: Internet)
Nghệ thuật gói bánh chưng ngày tết
Có được những chiếc bánh chưng đẹp mắt và thơm ngon đúng chuẩn là cả một nghệ thuật được quyết định bởi bàn tay lành nghề, bí quyết làm bánh của mỗi người thợ làm bánh khác nhau. Bí quyết để tạo nên bánh chưng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhiên việc quan trọng đầu tiên mà bạn nên chú ý đó chính là khâu chọn lựa nguyên liệu.
Cách chọn nguyên liệu làm bánh chưng ngon
Gạo nếp dùng để gói bánh chưng phải là loại gạo nếp ngon, ngon nhất là loại gạo nếp mùa hay nếp cái hoa vàng với những hạt bóng mẩy đều nhau. Gạo nếp phải được ngâm trong khoảng 10 – 12 tiếng với nước lạnh cho gạo nở, để ráo rồi xóc muối trắng cho thêm vị đậm đà. Một chiếc bánh chưng ngon chính là vị mặn của gạo nếp hòa quyện với vị thơm của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt hòa quyện cùng vị bùi dẻo của nếp ngon.
Muốn làm bánh chưng ngon thì phải chọn loại nếp ngon hay nếp cái hoa vàng
Đậu xanh dùng để làm bánh chưng cần được chọn với những loại đậu xanh đã được tách vỏ hoặc chưa tách vỏ, thực hiện ngâm rồi đãi sạch vỏ đậu. Tuy nhiên khi làm bánh chưng nên chọn những loại đậu chưa tách vỏ, tuy mất nhiều thời gian để làm hơn nhưng bánh chưng sẽ có phần nhân bánh ngon hơn. Đậu xanh với màu vàng tượng trưng cho một năm mới đầy tài lộc.
Đậu xanh dùng làm bánh phải được chọn lựa kỹ và ngâm nước qua đêm
Bánh chưng ngon không thể thiếu thịt và hương vị của hành. Thịt heo cần được chọn loại thịt có cả mỡ và nạc (thường chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai, thịt mông là ngon nhất). Khi luộc bánh phần mỡ sẽ tan chảy hòa quyện cùng với gạo nếp tạo nên độ béo ngậy cho bánh, mỡ thịt được dùng làm bánh không chỉ để chiếc bánh thơm ngon hơn mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự khỏe mạnh của gia chủ, những miếng thịt nạc đỏ hồng mang đến nhiều niềm vui và hạnh phúc trong năm mới. Từng miếng thịt sẽ được thái to đều, ướp gia vị với hương thơm nồng nàn và đặc biệt, khi bánh chín sẽ có mùi thơm cay nhẹ.
Chọn thịt vừa có phần mỡ vừa có phần nạc để khi làm bánh chưng sẽ vị thơm béo
Bí quyết để có được những chiếc bánh chưng xanh màu và bắt mắt cần lựa chọn những chiếc lá dong đẹp mắt. Lá dong khi chọn không được quá to hay quá nhỏ, lá dong không non quá mà cũng không được già quá, phải lựa những chiếc lá bóng, xanh đậm với phần cuống nhỏ. Những chiếc lá dong ưng ý được đem đi rửa sạch, phơi cho ráo nước rồi lau nhẹ từng chiếc lá trước khi gói.
Bánh chưng muốn đẹp mắt nhất định phải được buộc bằng lạt, chọn những đốt giang (hoặc chọn trúc) với các đoạn có độ dài tầm 70 – 90cm, cạo sạch phần vỏ xanh rồi chẻ thành từng miếng đều nhau. Lạt cần được ngâm trong nước để có độ mềm, chẻ thành lạt rồi phơi khô để khi gói bánh được chắc tay, lạt mềm buộc chặt và dễ hơn.
Tỉ lệ gạo đỗ gói bánh chưng chuẩn công thức
Thông thường chúng ta thường gói bánh chưng với tỉ lệ 8:2 tức là 8 phần gạo thì dùng 2 phần đậu. Với công thức này chúng ta sẽ tính toán được lượng gạo và đậu xanh để làm bánh mà không bị thiếu hụt nguyên liệu khi làm bánh chưng tết.
Cách gói bánh chưng ngon và đẹp đơn giản
Sau khi đã chuẩn bị được nguyên liệu gói bánh chưng chúng ta sẽ tiến hành gói bánh, bánh chưng phải được gói chặt tay và phải vuông vắ, các góc lá phải chắc để chiếc bánh khi luộc không bị bể góc. Thông thường chúng ta có thể gói bánh chưng bằng lá dong hoặc gói bánh chưng bằng lá chuối, tuy nhiên cách gói bánh chưng xanh ngày tết cho dù được làm với loại lá nào cũng sẽ có được màu xanh hấp dẫn nhất. Do vậy mà mình sẽ hướng dẫn các bạn cách gói bánh chưng bằng tay và cách gói bánh chưng bằng khuôn đơn giản nhất.
Những chiếc bánh chưng vuông vắn mang nhiều ý nghĩa nhớ về nguồn cội dân tộc
Cách gói bánh chưng bằng tay đơn giản vuông vắn
Khi đã quen với các bước làm bánh chưng bạn có thể thử nghiệm với công thức gói bánh chưng bằng tay đơn giản nhưng vẫn đảm bảo chiếc bánh vuông vắn và đẹp mắt. Chúng ta cùng thực hiện với các bước làm bánh chưng dưới đây.
Lọc bớt phần cuống lá, rửa sạch qua nước rồi lau khô trước khi sử dụng để gói bánh
Bước 1: Để chiếc bánh chưng được vuông vắn, chúng ta sẽ xếp 4 lá vuông góc, 2 chiếc lá úp mặt phải xuống và 2 lá ngửa mặt lên trên. Hai chiếc lá mặt phải ở dưới sẽ nằm ngoài mặt bánh để làm chiếc bánh có màu lá đẹp, hai chiếc lá bên trong sẽ làm cho bánh không bị dính khi bóc.
Xếp 4 chiếc lá dong chồng lên nhau để chuẩn bị gói bánh
Bước 2: Cho khoảng 1 chén gạo gạt ngang miệng vào lá dong, rải đều mặt gạo đều trên phần lá đã tạo khuôn, nhớ chèn gạo ở các góc sao cho hình vuông mặt bánh được đẹp mắt nhất.
Rải đều gạo trên lá dùng tay san nhẹ đều để gạo được bằng phẳng phần mặt
Bước 3: Lấy nhân đậu xanh nhấn nhẹ xuống để phần đậu rải đều trong bánh, sau đó đặt thịt vào phần giữ đậu xanh, úp phần đậu xuống như phần đậu trước tạo thành phần nhân đều trên mặt bánh.
Thêm nhân đậu và thịt lên trên thật khéo léo để khi gói bánh không bị lòi phần nhân
Bước 4: Cho thêm một lớp gạo phía trên mặt bánh, trải đều gạo vuông vắn bằng tay sao cho phần gạo che kín hết phần nhân thì chiếc bánh khi bóc ra mới đẹp mắt và hoàn hảo.
Gấp lá dong sao đều và không bị rách phần góc bánh
Bước 5: Dùng tay gấp phần lá dong bên phải vào trái, tuy nhiên khi thực hiện gấp lá bạn cần phải chắc tay để chiếc bánh được chắc và rền gạo khi luộc xong. Phần lá dong còn thừa thì gấp phần mép vào bên trong để giấu đi cho bánh đẹp mắt.
Khi gấp lá thừa cho mép lá giấu vào bên trong để thành phẩm được đẹp mắt hơn
Bước 6: Đặt 4 cọng lạt song song với nhau để cố định bánh, sau đó buộc hai cọng lạt song song ở phần còn lại. Ấn 4 phía của bánh cho bánh được chặt tay. Hoặc có thể vỗ nhẹ bánh xuống bàn để chiếc bánh thêm chắc, nếu khi lắc mà chiếc bánh không còn tiếng gạo bên trong là được.
Dùng lạt cố định bánh nhưng tránh làm lá bị nhăn nhúm mất thẩm mĩ
Vậy là chúng ta đã hoàn thành công thức gói bánh chưng không cần khuôn nhưng vẫn vuông vắn. Với cách gói này sẽ tiết kiệm được thời gian gói bánh hơn, tuy nhiên khi tự tin với cách gói bánh chưng tết thì hãy nên thử với cách gói bánh này nhé.
Cách gói bánh chưng bằng khuôn đơn giản nhất
Nếu không tự tin với cách gói bánh chưng không cần khuôn, bạn nên sử dụng cách gói bánh chưng bằng khuôn với các bước làm đơn giản nhất. Cũng có những bước làm đơn giản như cách gói bánh chưng bằng tay, tuy nhiên khi thực hiện làm bánh bằng khuôn bạn sẽ thực hiện gói bánh dễ dàng và chuẩn xác đồng bộ hơn.
Gói bánh chưng bằng khuôn đơn giản hơn cách gói bánh chưng bằng tay
Bước 1: Đặt lạt với 4 cọng lạt nằm song song với nhau, sau đó đặt khuôn bánh vuông lên trên lạt. Bước tiếp theo bạn xếp lá giống như cách gói bánh bằng tay, xếp lá chồng lên nhau tạo thành góc vuông đẹp mắt.
Xếp lá vào khuôn tạo thành 4 góc vuông để chiếc bánh được đẹp mắt
Bước 2: Khi đã thực hiện xếp lá vào khuôn vuông vắn bạn sẽ thực hiện các bước cho gạo – đậu – thịt – đậu – gạo rồi giống như phần thực hiện gói bánh bằng tay ở trên. Dùng tay gạt đều phần gạo trên mặt cho vuông vắn và chặt tay rồi gói lá lại cho đẹp mắt.
Các công đoạn gói bánh chưng bằng khuôn đơn giản nhất
Bước 3: Cuốn lại các phần lá cho gọn gàng đối với phần lá thừa rồi dùng tay nhấn phần lá thừa xuống, tay kia nhấc nhẹ nhàng khuôn bánh ra rồi dùng lạt mỏng buộc cố định bánh lại. Dùng lạt buộc chặt bánh nhưng không được làm bánh bị nhắn nhún. Buộc bánh đối xứng với nhau để chiếc bánh đẹp mắt hơn, vậy là đã hoàn thành chiếc bánh chưng gói vô cùng đẹp mắt.
Cách luộc bánh chưng mau nhừ
Khi nấu bánh chưng người Việt thường dành trọn một khoảng thời gian khá dài trên 10 tiếng trên ngọn lửa sôi âm ỉ, làm như vậy bánh mới rền, mới ngon. Tuy gọi là luộc bánh tuy nhiên chúng lại không hề tiếp xúc với nước luộc nên lại được xem là hình thức hấp hoặc chung cách thủy, cách này giúp cho bánh giữa được chất ngọt của gạo, của thịt, của đậu xanh nên được gọi là bánh chưng. Để bánh luôn được ngon và mau nhừ chúng ta sẽ thực hiện với các bước như sau:
Sắp xếp bánh chưng vào nồi không được quá lỏng, nước phải ngập mặt bánh
- Lót ở dưới đáy nồi một lớp cuống lá rồi xếp bánh vào nồi, tuy nhiên không nên xếp chặt quá, xếp bánh to xuống dưới và cho phần bánh nhỏ lên trên. Khi xếp bánh vào nồi luộc không được xếp quá lỏng, sau đó đổ nước ngập bánh rồi cho lên bếp đun đậy kín nắp.
- Tùy vào kích thước lớn nhỏ mà bánh chưng có thể được luộc trong khoảng 10 – 12 tiếng. Trong quá trình luộc bạn cần chú ý nếu nước cạn xuống dưới mặt bánh thì cần phải có nước để bổ sung vào cho nước ngập bánh. Lửa luộc bánh phải đều không để lửa tắt hoặc không để lửa cháy to quá.
- Khi bánh đã chín và trong khoảng 15 – 20 phút cuối bạn có thể tắt bếp để nước tự sôi và nguội bớt để khi vớt bánh dễ hơn.
Bí quyết bảo quản bánh chưng ngày tết lâu hơn
Khi vớt bánh chưng sau khi luộc để bánh chưng ngày tết có thời gian bảo quản lâu hơn bạn nên chuẩn bị những bước nhỏ dưới đây:
- Chuẩn bị hai chậu nước lớn để khi vớt bánh chưng ra khỏi nồi bạn có thể thả vào nước và rửa thật sạch để bánh được bảo quản lâu hơn mà không bị mốc.
- Sau khi rửa sạch chúng ta xếp bánh theo thứ tự cứ hai cái bánh chồng lên nhau và xếp thành từng hàng, dùng miếng ván ép đặt lên chồng bánh rồi dùng vật nặng đặt lên phía trên, thực hiện ép bánh trong khoảng nửa tiếng hoặc 1 tiếng là được.
- Lấy bánh ra để ở nơi thoáng mát. Thông thường chúng ta có thể để bánh chưng trong khoảng 15-20 ngày khi thời tiết nóng hoặc 1 tháng nếu như trời lạnh.
Trên đây là cách làm bánh chưng đơn giản và đẹp mắt nhất, với những hướng dẫn chi tiết tổng hợp từ khâu chuẩn bị cho đến khâu bảo quản bánh chưng đẹp. Bằng công thức được nêu ở trên bạn sẽ có được mẻ bánh chưng ngon, đúng hương vị để chưng và chiêu đãi mọi người trong dịp tết. Chúc bạn thành công!
Để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học của Dạy Làm Bánh Á Âu, bạn vui lòng để lại thông tin ở nút “Đăng ký” bên dưới, để được hỗ trợ tư vấn miễn phí nhé!
Ý kiến của bạn