Với người dân miền Nam, bánh khọt đã trở thành món ăn không thể thiếu vào những chiều tan học, tan ca làm việc. Cách làm bánh khọt miền Nam cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần làm theo công thức dưới đây là sẽ chinh phục được món bánh mộc mạc nhưng khiến bao người mê mẩn này.
Một chiếc bánh khọt là sự kết hợp tuyệt vời giữa bột gạo, bột nghệ, hương thơm từ hành lá, vị đậm đà của những miếng tôm… Ai đã từng ăn bánh khọt thì chắc chắn không thể nào quên được hương vị đặc trưng của món ăn này. Hơn nữa, những ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình, bạn bè vào bếp trổ tài làm bánh khọt Nam Bộ thưởng thức thì không còn gì thú vị bằng. Cùng Kate vào bếp với công thức làm bánh khọt miền Nam ngay nhé!
Bánh khọt miền Nam hấp dẫn, đậm đà (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu làm bánh khọt
Phần vỏ bánh
- Bột gạo: 300 gram
- Nước cốt dừa: 1 lon
- Cơm nguội: 1 chén
- Bột nghệ: 1/2 muỗng cafe
Phần nhân bánh
- Tôm tươi: 300 gram
- Đậu xanh đã cà vỏ: 50 gram
- Củ đậu tươi: 1 củ
- Nước cốt dừa: 50ml
- Bột năng: 10 gram
- Hành khô: 1 củ
- Ớt tươi: 1 trái
- Hành lá: một chút
- Rau ăn kèm: rau cải, rau thơm, xà lách
- Gia vị: muối, đường, tiêu, dầu ăn, nước mắm, chanh (hoặc giấm)
Cách làm bánh khọt miền Nam đơn giản tại nhà
Cách làm bột vỏ bánh
Xay nhuyễn cơm nguội, trút ra âu lớn. Sáu đó trộn bột gạo và bột nghệ với nhau thật đều, hòa tan 2 chén nước ấm với nước cốt dừa rồi từ từ đổ vào hỗn hợp bột, khuấy đều đến khi các nguyên liệu hòa quyện vào nhau và không còn vón cục.
Thêm cơm nguội đã xay nhuyễn vào âu hỗn hợp bột, tiếp tục khuấy đều để thu được hỗn hợp hơi lỏng và sánh mịn là xong phần bột vỏ bánh khọt miền Nam.
Bột bánh khọt sau khi làm xong (Ảnh: Internet)
Cách làm nhân bánh khọt miền Nam
Bóc vỏ tôm tươi, rửa sạch. Ngâm đậu xanh trong nước cho nở mềm rồi mang đi hấp chín. Riêng củ đậu thì lột vỏ, rửa với nước cho thật sạch, thái hạt lựu.
Loại bỏ phần vỏ của hành khô, băm nhỏ, rửa hành lá với ớt cho sạch rồi thái nhỏ hành, còn ớt thì thái lát.
Ngâm và đãi đậu xanh thật sạch
Bắc chảo lên bếp, đổ một chút dầu ăn vào cùng với hành, phi thơm rồi cho tôm và củ đậu vào xào sơ qua, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Xào nhân đến khi chín tới rồi tắt bếp.
Cho nước cốt dừa vào nồi, đun nóng, thêm bột năng vào khuấy đều. Khi thấy hỗn hợp sánh lại thì nhấc xuống bếp.
Nhặt rau xà lách, rau cải và rau thơm, rửa sạch, để ráo nước. Tiếp theo, pha nước muối loãng rồi cho rau vào ngâm để loại bỏ bớt chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên rau.
Đổ dầu vào chảo để xào nhân bánh khọt
Cách làm nước chấm bánh khọt
Lần lượt cho nước mắm, đường, nước và giấm vào trong bát, khuấy đều và nêm nếm sao cho hợp với khẩu vị của bạn.
Thêm ớt thái lát vào bát nước chấm để có vị cay cay hấp dẫn.
Cách đổ bánh khọt miền Tây
Đặt khuôn bánh lên bếp, phết dầu ăn vào từng ô tròn nhỏ. Đợi dầu nóng rồi múc bột đổ bột vào từng ô.
Khi bột bắt đầu sánh lại thì cho củ sắn, tôm và đậu xanh hấp lên trên, đậy nắp lại. Khi bánh chín thì rưới hỗn hợp nước cốt dừa với bột năng cùng một chút hành lá lên trên, đợi bánh vàng giòn như mong muốn rồi lấy ra khỏi khuôn.
Tiếp tục lặp lại công đoạn đổ bánh khọt miền Nam đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.
Bánh khọt sẽ ngon hơn nếu được đổ trên bếp than (Ảnh: Internet)
Thưởng thức
Xếp bánh ra đĩa cùng với rau sống và nước chấm, bạn có thể thưởng thức bánh bằng cách cuốn với bánh tráng hoặc ăn trực tiếp với rau tùy vào sở thích của mình.
Yêu cầu thành phẩm
Bánh khọt miền Nam ngon đúng chuẩn phải có lớp vỏ vàng giòn đẹp mắt, nhân tôm đậu thơm ngọt hòa quyện cùng vị béo ngậy của nước cốt dừa, thêm một chút cay cay của nước chấm cực kỳ hấp dẫn và kích thích vị giác.
Bánh khọt miền Nam thơm ngon khó cưỡng (Ảnh: Internet)
Lưu ý trong công thức làm bánh khọt miền Nam
Mẹo đổ bánh khọt giòn
Để bánh khọt giòn ngon hơn, bạn nhất định phải cho cơm nguội xay vào công thức. Nếu không có cơm bạn có thể thay thế bằng trứng gà. Một bí quyết khác nữa là căn chỉnh tỷ lệ bột và nước chính xác, đổ bột vào khuôn 3 lần và thêm dầu ở phần rìa, bánh sẽ giòn hơn.
Cách chọn tôm tươi ngon, không hóa chất
- Chân tôm: Tôm tươi sẽ có chân gắn chặt vào thân, thịt săn chắc. Không nên chọn những con tôm đã có chân chuyển sang màu đen.
- Hình dáng: Nếu thấy thân tôm bị uốn cong thành hình tròn thì đó là tôm không còn tươi. Tôm ngon thường sẽ có dáng thẳng hoặc chỉ hơi cong cong.
- Mẹo chọn tôm không hóa chất: Tôm không bị nhiễm hóa chất sẽ có thịt chắc, không bị chảy nhớt. Khi dùng tay ấn lên vỏ tôm di chuyển từ trước ra sau và ngược lại mà cảm thấy có sạn dưới các ngón tay hoặc bị nhớt thì tuyệt đối không được mua. Đặc biệt, khi thấy tôm chuyển sang màu hồng thì có nghĩa tôm đó đã ươn. Riêng với tôm he, bạn nên chọn những con còn sống, mắt xanh đen, vỏ màu hồng trắng. Còn đối với tôm sắt thì cần tránh những con có màu hồng đậm.
Tôm tươi ngon sẽ giúp bánh khọt hấp dẫn hơn (Ảnh: Internet)
Một số lưu ý khác
- Điều chỉnh nhiệt độ thích hợp để bánh chín từ từ và đạt được độ giòn như ý.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình thực hiện.
- Bạn có thể biến tấu hương vị bằng cách thay thế nhân bánh bằng bất cứ nguyên liệu nào mình thích.
Thơm ngon, đậm đà, hấp dẫn, bánh khọt chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời trong căn bếp của mình và có một bữa ăn thật ngon bên người thân và bạn bè. Hãy lưu lại cách làm bánh khọt ngon ở trên và trổ tài ngay khi có dịp nhé. Chúc các bạn thành công!
Ý kiến của bạn