Khởi động ngày mới với cách làm bánh mì gối trắng dinh dưỡng

Ngọt ngào, thơm mềm xen lẫn chút độ dai dai ở từng thớ bánh nhỏ, từng chiếc bánh mì gối trắng chắc chắn sẽ là món ngon để bạn chiêu đãi cả nhà mỗi buổi sáng. Cùng xem cách làm bánh mì gối trắng trong công thức dưới đây, chắc chắn bạn sẽ làm thành công món bánh siêu ngon để chiêu đãi cả nhà đấy.

Hầu như với tất cả các loại bánh mì có độ xốp, dai và mềm thơm đều đòi hỏi về công thức làm bánh chuẩn và các kỹ thuật thực hiện chuẩn xác. Chính vì vậy mà để làm ra một mẻ bánh ngon bạn phải biết cách nhồi bột, ủ bột bánh mì, biết cách tạo hình và nướng bánh. Hôm nay Kate sẽ hướng dẫn bạn công thức làm bánh mì gối trắng ngon chuẩn vị qua các bước làm đơn giản giúp bạn dễ dàng thực hiện tại nhà và thành với món bánh ngon như ngoài hàng. Chúng ta cùng vào bếp trổ tài nhé!

bánh mì dinh dưỡng tiện lợi

Bánh mì cho bữa ăn sáng đầy dinh dưỡng và tiện lợi (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 120ml nước
  • 20g đường
  • 5g men instant
  • 205g bột bánh mì
  • 2g muối
  • 15g dầu ăn

Hướng dẫn cách làm bánh mì gối trắng tại nhà

Làm bột bánh

Cho đường và men vào trong nước trong khoảng 10 – 15 phút cho men nở bung và bắt đầu tạo mảng trên mặt nước giống như gạch cua là được.

ngâm men cho nở

Ngâm men cho nở

Cho thêm dầu ăn, nước, muối, men đã pha vào trong âu, trộn đều rồi chia thành 2 – 3 phần. Cho từng phần vào âu bột, khuấy đều sau mỗi lần thêm bột cho đến khi tạo thành một khối bột đồng nhất, hơi nhão và dính.

Nhào bột

Rắc một ít bột khô lên mặt bàn để làm lớp bột áo mỏng, cho khối bột vừa làm lên rồi dùng tay nhào kỹ trong khoảng 15 phút cho đến khi thấy khối bột mịn, dẻo, đàn hồi, không dính tay, ấn xuống bột phồng trở lại ngay.

nhào bột bánh mì

Nhào bột bánh

Cho bột vào âu đã quét 1 lớp dầu lên thành và đánh âu. Lật mặt khối bột để dầu ăn bao đều quanh khối bột.

Công đoạn ủ bột lần 1

Dùng khăn ẩm hoặc nilon bọc kín cả âu. Ủ ở nhiệt độ phòng (20 – 35 độ C) đến khi nở gấp đôi.

ủ kín bột làm bánh

Cho bột vào âu ủ kín bằng màng bọc thực phẩm

Ở công đoạn ủ bột bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Không có thời gian ủ cố định vì tùy theo nhiệt độ ủ bột mà bột có thể nở nhanh hay chậm. Bột nở gấp đôi là căn cứ tốt nhất. Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào khối bột, sâu khoảng 1 – 2 cm, nếu vết lõm giữ nguyên là đã ủ đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì cần ủ thêm.
  • Nếu bột ủ mà không nở thì có thể do một số nguyên nhân sau: Men hết hạn sử dụng, hoặc chất lượng không tốt. Hoặc: Khi kích hoạt men (trong trường hợp dùng men khô – dry yeast), dùng nước quá nóng (từ 60 độ C trở lên) làm chết men.

Sau khi bột đã nở gấp đôi, dùng mu bàn tay đám nhẹ để ép bọt khí ra ngoài. Lấy bột ra nhào sơ qua trong khoảng 1 – 2 phút. Nếu làm bánh mì gối và dùng khuôn loaf thì để bột nghỉ khoảng 5 phút rồi cán bột thành hình chữ nhật và tạo thành hình ổ bánh.

Cách tạo hình đơn giản nhất là gập 1/3 miếng bột, rồi tiếp tục gập đến hết. Sau đó tiếp tục gập đôi, hoặc gập theo miếng dọc. Các bạn nhớ dính chắc mép bột, tránh để bột bung ra khi nướng.

Công đoạn ủ bột lần 2

Ủ bột ở nơi ấm áp và ẩm đến khi bột nở gấp đôi. Khi bột nở khoảng 70 – 80 thì bật lò ở nhiệt độ 170 độ C (Lò nướng cần tối thiểu 10 phút để đạt được độ nóng cần thiết).

Bí quyết nướng bánh mì

nướng bánh trong lò

Nướng bánh trong lò

Nướng bánh ở 170 – 175 độ C trong 25 – 30 phút. Bánh chín để lên rack cho nguội hẳn rồi cắt lát. Bánh làm xong nên ăn trong 8 – 10 tiếng. Hoặc cho vào hộp đậy kín.

Hoàn thành và thưởng thức

Bánh mì sau khi nướng bạn để lên rack cho nguội bớt rồi thưởng thức cùng với sữa nóng hay nước trái cây yêu thích. Ngoài ra, bạn còn có thể cắt lát bánh mì để ăn kèm với mứt trái cây cũng rất thơm ngon.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh mì gối trắng sau khi làm sẽ có phần vỏ ngoài mịn màng, nướng đều đẹp màu. Từng thớ bánh đạt độ trắng đẹp, hấp dẫn, từng thớ bánh dai mềm. Bánh nở đều, không bị chai hay khô cứng.

bánh mì gối dai mềm

Thành phẩm bánh mì thơm ngon với từng thớ bánh dai, mềm (Ảnh: Internet)

Những điều cần lưu ý khi làm bánh mì gối trắng

  • Nếu bạn gặp tình trạng ruột bánh không trắng là do loại bột sử dụng.
  • Bánh để lâu bị khô là do bạn gói hoặc bảo quản chưa kín, để không khí và gió làm khô bánh.
  • Bánh mì để lâu sẽ bị mất hương vị thơm ngon, vì vậy bạn nên thưởng thức bánh sớm.
  • Bánh mì bị cháy mặt hay bị ẩm ruột bánh là do nhiệt độ khi nướng chưa phù hợp, nếu lửa trên quá lớn sẽ làm cháy mặt bánh hoặc bên ngoài bánh chín mà bên trong chưa kịp chín. Nếu gặp tình trạng này bạn có thể dùng giấy bạc phủ lên bánh để nướng tiếp đến khi bánh chín.
  • Nếu khuôn bánh bạn sử dụng là khuôn sẫm màu thì lượng nhiệt truyền vào bên trong bánh sẽ tốt hơn, vì vậy bạn nên giảm nhiệt độ xuống khoảng 10 độ C.
  • Nếu bánh bị quá đặc ở phần ruột là do bạn cho muối quá nhiều hoặc ủ bột chưa đủ, ngoài ra nếu trộn bột ít nước quá cũng làm bột khô và gây ra tình trạng này.

Trên đây là chi tiết cách làm bánh mì gối, hi vọng với hướng dẫn chi tiết này bạn sẽ làm thành công món bánh thật thơm ngon để chiêu đãi cả nhà. Chúc bạn thành công với đam mê làm bánh và đừng quên tham khảo thêm nhiều công thức làm bánh mì ngon tại chuyên mục để trổ tài khéo tay nhé!

Điểm: 5 (17 bình chọn)

Tác giả: Trần Anh Nam

Chào các bạn tôi là Abbey Nam là một thợ làm bánh đang sinh sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh. Hiện tại, tôi đang làm việc tại Caravelle Hotel, công việc chính là theo dõi bao gồm ra thực đơn bánh và các món tráng miệng ở đây. Ngoài giờ làm việc, tôi hay viết blog cá nhân và hợp tác với website: daylambanh.edu.vn để chia sẻ cho những bạn đang yêu thích làm ra những chiếc bánh ngọt hấp dẫn. Với kinh nghiệm 3.5 năm kinh nghiệm làm bánh và 2 năm không ngừng sáng tạo ra những công thức làm bánh mới thì mình hoàn toàn tự tin rằng những công thức làm bánh mà tôi đưa ra và những nhận định hoàn toàn chính xác trên 90%. 

Bài viết liên quan