Mứt Tết là món không thể thiếu trong đĩa bánh kẹo mỗi dịp xuân về để trước là đãi khách, sau là cả nhà sum vầy bên nhau trò chuyện và chia sẻ cuộc sống năm cũ, nguyện vọng trong năm mới. Hôm nay, hãy cùng Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) học cách làm mứt dừa thơm ngon theo hướng dẫn bên dưới để chuẩn bị cho Tết này nhé!
Thấy mứt dừa là thấy Tết (Ảnh: Internet)
Dừa là nguyên liệu rất phổ biến ở nước ta, thường được sử dụng để chế biến nhiều món ăn thơm ngon và hấp dẫn, trong đó có mứt dừa. Cứ mỗi độ xuân về, các chị em lại lựa chọn những trái dừa tươi ngon nhất rồi đem gọt vỏ, bào sợi, ngâm đường rồi sên đến khi có được những sợi mứt thơm phức, béo ngậy. Ngày nay, vì bận rộn nên nhiều người thường mua sẵn các loại mứt bán ngoài cửa hàng nhưng cũng không ít người vẫn tìm công thức làm mứt dừa rồi tự tay vào bếp. Còn bạn thì sao? Có muốn thử trổ tài đảm đang với món mứt dừa béo thơm này không? Nếu có thì vào bếp ngay với các cách làm mứt dừa siêu hay bên dưới nhé!
Cách làm mứt dừa truyền thống
Nguyên liệu
- Dừa: 1kg
- Đường: 500 gram
Cách làm mứt dừa truyền thống vừa nhanh vừa ngon
Sơ chế
Nạo dừa thành sợi dài, hạn chế để dừa bị đứt vì sợi dài thành phẩm sẽ đẹp hơn.
Đun sôi nước, cho dừa vào chần sơ rồi vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước, để ráo.
Nếu kỹ hơn bạn có thể ngâm dừa với nước lạnh trong vài giờ để loại bớt dầu (Ảnh: Internet)
Ướp dừa với đường
Trộn dừa với đường, ngâm ít nhất từ 4 – 6 giờ đồng hồ. Nếu có thời gian, nên để qua đêm cho đường ngấm đều vào dừa hơn.
Sên mứt
Chọn chảo lớn đáy dày bắc lên bếp, đổ dừa và nước đường vào sên. Ban đầu để lửa lớn cho nước sôi, thỉnh thoảng đảo một lần.
Khi thấy nước đường cạn thì chỉnh lửa xuống mức nhỏ, đảo liên tục đến khi đường kết tinh lại và bám đều vào từng sợi mứt là hoàn thành.
Yêu cầu thành phẩm
Mứt dừa trắng, không bị vàng, đường bám vào dừa vừa đủ, không bị chảy nước. Mứt dừa sẽ ngon hơn khi thưởng thức cùng trà nóng hoặc các loại thức uống khác.
Mẻ mứt sau khi sên xong (Ảnh: Internet)
Một số cách làm mứt dừa khác
Mứt dừa café
Nguyên liệu
- Cơm dừa: 500 gram
- Đường cát trắng: 200 gram
- Café: 20 gram
- Vani: 1/2 thìa café
- Sữa đặc có đường: một ít
Cách làm
Lấy phần cơm dừa, gọt bỏ lớp vỏ màu nâu bên ngoài rồi thái thành sợi dài mỏng. Sau đó, rửa sạch dừa với nước rồi vớt ra, để ráo.
Chuẩn bị một âu lớn, cho dừa vào cùng đường, café, ít sữa đặc, trộn đều, ướp qua đêm để đường tan hết. Thời gian này khoảng từ 10 đến 12 giờ.
Cho dừa và nước đường vào chảo rồi nấu trên lửa to đến khi sôi thì giảm lửa lại. Trong quá trình này, dùng đũa đảo đều khoảng 10 phút 1 lần.
Nấu đến khi nước đường trong chảo bắt đầu cạn và keo lại thì hạ lửa xuống mức thấp nhất, đảo liên tục và đều tay để tránh cho mứt bị cháy hoặc màu quá già không đẹp mắt.
Khi đường kết tinh bám vào từng miếng dừa và dừa đã khô thì cho vani vào, trộn đều và tắt bếp. Tiếp tục đảo đều khoảng 1 phút nữa là được.
Mứt dừa café ngọt béo, thơm nức (Ảnh: Internet)
Mứt dừa viên
Nguyên liệu
- Cùi dừa bánh tẻ: 800 gram
- Đường: 400 gram
- Café: 1 gói
- Chanh leo: 2 quả
- Lá dứa: một ít
- Sữa tươi không đường: 50ml
Cách làm mứt dừa viên
Cùi dừa bánh tẻ đem rửa sạch rồi cắt thành hình vuông nhỏ kích thước khoảng 1cm. Ngâm dừa trong nước, rửa qua nhiều lần với nước ấm cho đến khi chúng không còn bị đục nữa thì vớt ra, để ráo nước.
Chia 800 gram dừa ra thành 4 phần (hoặc làm nhiều phần với những màu sắc bạn mong muốn). Ở công thức này mình sẽ làm 4 loại mứt cơ bản: mứt dừa viên truyền thống, mứt dừa viên chanh leo, mứt dừa viên lá dứa và mứt dừa viên café.
Mứt dừa viên trắng: lấy phần dừa đã chia trong âu đầu tiên, thêm 50ml sữa tươi và 100g đường vào âu ngâm cùng. Mứt dừa viên vàng: trộn cùng với nước cốt chanh leo đã lược bỏ phần hạt và 100g đường. Mứt dừa xanh: xay nhuyễn lá dừa với 80ml nước rồi lọc bỏ phần bã, trộn dừa cùng nước lá dừa và 100g đường. Mứt dừa nâu: hòa tan gói café cùng 80ml nước, trộn phần dừa còn lại cùng nước café với 100g đường.
Bạn có thể làm mứt dừa nhiều màu tùy theo sở thích của mình (Ảnh: Internet)
Sau khi đã ngâm dừa cùng với các nguyên liệu, bạn đợi cho đường tan hết và ngấm vào dừa trong vài giờ đồng hồ. Sau đó, lần lượt đổ từng loại mứt vào chảo đun lên ở lửa vừa.
Khi thấy chảo sôi lên thì đảo đều tay cho đường keo lại. Tiếp theo, chỉnh nhỏ lửa, đảo tiếp để đường kết tinh trắng bám quanh viên dừa là được. Thực hiện tương tự cho đến khi hết các phần mứt đã chuẩn bị.
Mứt dừa viên sau khi sên xong thì để lên khay đem đi hong gió quạt hoặc đợi nguội bớt rồi cho vào hũ thủy tinh để bảo quản và thưởng thức. Mứt dừa ngon hơn khi phần đường khô và bám đều quanh viên dừa.
Mứt dừa viên nhỏ xinh, bắt mắt (Ảnh: Internet)
Mứt dừa lá dứa
Nguyên liệu
- Dừa bánh tẻ: 500 gram
- Đường trắng: 170 gram
- Lá dứa: 1 mớ nhỏ
Cách làm mứt dừa lá dứa
Gọt bỏ phần vỏ rám của dừa, bào sợi dài, rửa 2 – 3 lần với nước ấm để sạch bớt dầu. Đợi dừa ráo nước rồi đổ vào âu lớn cùng với đường, trộn đều lên.
Rửa sạch lá dứa, cắt thành khúc ngắn. Lấy một chút lá dừa cho vào âu dừa ướp chung, phần còn lại xay nhuyễn với nửa bát nước bằng máy xay sinh tố. Sau khi xay xong thì vắt lấy nước cốt có màu xanh đậm đặc.
Đổ khoảng 70ml nước cốt lá dứa vào âu dừa, để yên 2 giờ cho dừa ngấm màu xanh. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng bạn đảo lên để dừa ngấm đều đường và có màu bắt mắt hơn.
Ướp dừa với nước cốt lá dứa để tạo màu (Ảnh: Internet)
Bắc chảo lên bếp, để lửa lớn, đổ dừa vào sên cho cạn bớt nước rồi cho phần nước lá dứa còn lại vào sên cùng.
Hạ lửa xuống thật nhỏ, liên tục đảo đều tay để dừa khô, đường bám đều quanh sợi dừa là được. Lưu ý: Lúc này mứt sẽ có màu xanh nhạt nhưng khi để nguội sẽ chuyển sang màu xanh non rất đẹp mắt.
Đợi mứt dừa khô ráo hoàn toàn, tiến hành đổ mứt ra khay và nhặt bỏ những miếng lá dứa nếu có rồi cho vào lọ thủy tinh hoặc đóng thành túi để bảo quản (2 tuần đến 1 tháng). Bạn có thể thưởng thức mứt với trà hoặc cho mứt lên kem đều rất ngon.
Màu xanh của mứt dừa có thể làm từ bột trà xanh (Ảnh: Internet)
Ngoài các hương vị kể trên bạn còn có thể thử cách làm mứt dừa sữa với sữa tươi hoặc sữa đặc. Khi làm mứt với hai loại sữa này, thành phẩm sẽ vừa ngon vừa béo, thơm nhẹ cực kỳ hấp dẫn. Nguyên liệu cực kỳ dễ tìm nên nếu có thời gian bạn hãy thử ngay nhé!
Lưu ý trong công thức làm mứt dừa
Cách chọn dừa ngon để làm mứt
Dừa bánh tẻ (không quá non cũng không quá già) là loại ngon nhất để làm mứt. Cách nhận biết dừa bánh tẻ: sau lớp vỏ cứng sẽ là lớp vỏ khác màu nâu nhạt, có thể bấm móng tay vào được. Nên ưu tiên chọn những quả có độ cứng, độ dai và độ dày vừa phải để dễ bào sợi.
Mẹo phân biệt dừa non, dừa bánh tẻ và dừa già
- Dừa non: Cùi dừa và da mềm, vỏ màu xanh tươi. Khi dùng móng tay bấm vào cùi thì nước sữa sẽ chảy ra, có mùi thơm rất đặc trưng. Nếu dùng tay cào phần vỏ gần cuống mà thấy dễ dàng thì đó là dừa non.
- Dừa bánh tẻ: Vỏ mềm có màu đều, hơi nhạt, không bị loang lổ. Sau khi loại bỏ lớp vỏ cứng sẽ thấy dừa bánh tẻ có một lớp vỏ màu nâu nhạt, độ cứng và dai vừa phải, mặt trong cùi dừa trắng ngần.
- Dừa già: Khi bấm móng tay vào cùi dừa già sẽ thấy rất cứng và khó, phần vỏ gần cuống không cào tróc được. Cùi của dừa già thường rất khô và dày, lớp vỏ bên trong cứng và có màu nâu sẫm, bên ngoài nổi nhiều múi. Những quả sáng màu, cùi trắng là quả tươi, chỉ nên chọn những quả chưa lên mộng và vỏ không còn xanh nữa.
Phần cùi của dừa già rất cứng (Ảnh: Internet)
Cách tách vỏ dừa đơn giản
Một số bạn thích mua nguyên trái dừa còn vỏ bên ngoài về làm mứt nhưng chưa biết cách tách vỏ dừa thì có thể tham khảo vài mẹo dưới đây:
- Hơ dừa trên bếp lửa hoặc than đến khi tách được cùi dừa.
- Cho trái dừa vào lò nướng khoảng 20 phút ở 110 độ C rồi tách cùi.
Tuy nhiên, để đỡ tốn thời gian và công sức bạn nên mua dừa được tách vỏ tại các siêu thị hoặc nhờ người bán tách hộ.
Một số điều cần chú ý trong quá trình làm mứt
- Lượng đường trong công thức làm mứt dừa cực kỳ quan trọng, nếu ít hơn 400 gram/kg dừa tươi thì mẻ mứt rất dễ bị thất bại. Nếu gặp trường hợp đường không kết tinh được, bạn nên đổ dừa ra tô, trộn thêm đường mới, đợi đường tan hoàn toàn rồi bắc lên bếp sên lại.
- Rửa dừa thật kỹ để đảm bảo dầu đã hết và nên sên mứt trong một chiếc nồi hoặc chảo dày. Trong quá trình sên bạn cần chú ý quan sát lửa: giai đoạn đầu lửa cần để to cho nước cạn, bắt đầu keo lại rồi để lửa nhỏ. Sau đó, khi thấy đường kết tinh thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất rồi tắt bếp ngay.
- Đảo đều tay trong suốt thời gian sên mứt và phải thật nhẹ nhàng để dừa không bị cháy và đứt. Không nên để đường đã kết tinh vào mứt quá lâu trên lửa vì như vậy mứt sẽ bị cứng quá, không còn dẻo nữa.
Mứt dừa sẽ có một lớp đường bám đều xung quanh (Ảnh: Internet)
Cách bảo quản mứt dừa
- Sau khi thực hiện công đoạn sên mứt xong thì bạn thực hiện đổ mứt ra khay hoặc tấm giấy lớn, dàn đều để cho mứt khô.
- Mứt đã nguội hẳn thì mới cho vào túi zip hoặc lọ đậy kín để bảo quản. Không để mứt dừa tiếp xúc với không khí hoặc nhiệt độ cao bên ngoài quá lâu sẽ làm mứt dừa bị hư.
- Mứt dừa non thường nhanh ướt và làm tan phần đường bọc bên ngoài trong khoảng 20 ngày hoặc khi để ở nhiệt độ cao.
Không vào bếp thì sẽ không biết được cách làm mứt dừa lại đơn giản như vậy phải không nào? Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là đến Tết Nguyên Đán, bạn đừng bỏ qua công thức siêu hay ở trên nhé. Không gì tuyệt vời và ý nghĩa bằng việc bạn tự tay làm mứt để chiêu đãi và dành tặng cho người mình yêu thương. Chúc các bạn thành công!
Ý kiến của bạn