Hất con xuống vách núi khi đôi cánh còn rất yếu ớt và mỏng manh là cách đại bàng dạy con tập bay. Hành động “tàn nhẫn” này chính là bài học đầu tiên và cũng là bài học cuối cùng đại bàng dạy cho con của mình. Lần một, lần hai, lần ba và nhiều lần bị hất từ trên cao xuống, chú đại bàng con yếu ớt vỗ cánh, chấp chới bay. Đó là bản năng sinh tồn của chúng nhưng cũng là cách là nhiều bậc cha mẹ hiện nay áp dụng để giúp con cái nên người.
Câu chuyện về cậu bé Đa Đa (Trung Quốc) được cha giáo dục theo cách của “đại bàng” vào năm 2012 đã tạo ra hai làn sóng trái chiều trong dư luận. Người thì cho rằng cha cậu bé quá độc ác nhưng cũng có khá nhiều người ủng hộ cách dạy con trưởng thành của ông vì thế hệ cậu ấm cô chiêu bây giờ được bố mẹ, ông bà bảo bọc thái quá nên đang dần bị phụ thuộc, mãi không chịu trưởng thành.
Nhiều phụ huynh dạy con theo cách của đại bàng để con trưởng thành hơn
(Ảnh: Internet)
Bảo bọc có phải là cách để con trưởng thành?
“Thế hệ gấu bông”, “những đứa con cưng”, sinh ra đã “ngậm thìa vàng” là một thế hệ lớn lên trong cuộc sống hiện đại, được cha mẹ bảo bọc và nâng niu. Điều này không có gì lạ khi mỗi gia đình chỉ có từ 1- 2 con nhưng hệ lụy của việc này đã đặt ra vấn đề mà chúng ta cần phải suy ngẫm: Liệu bảo bọc có phải là cách để con trưởng thành?
Tâm lý của người làm cha làm mẹ không ai muốn con mình phải chịu khổ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nuôi dưỡng các con giống những chú “gà công nghiệp”. Cha mẹ luôn muốn quản thúc con cái và cho rằng đó là điều hiển nhiên mà không nhận ra sự kìm kẹp quá mức đó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần mà còn làm cho nhiều bạn trẻ có cái nhìn tiêu cực, luôn muốn thoát ly khỏi gia đình để được sống tự do hoặc sinh ra thói ỷ lại, ích kỷ, chỉ thích hưởng thụ và phụ thuộc.
Vấn đề này không chỉ xuất hiện ở các gia đình có điều kiện mà trong những gia đình không mấy dư giả, thậm chí là khó khăn, cha mẹ vẫn nuông chiều con, đáp ứng mọi nguyện vọng để con được bằng bạn bằng bè.
Sự bảo bọc quá kỹ của cha mẹ là sai lầm trong cách giáo dục con cái (Ảnh: Internet)
Đã đến lúc dạy con cách trưởng thành
Đại bàng cũng có tình mẫu tử – phụ tử thiêng liêng không thua kém loài nào trong thế giới tự nhiên nhưng để dạy chim non biết nay, trở thành hậu duệ dũng mãnh, chúng đã đóng vai “ác”, hất con mình xuống núi. Hành động có phần tàn nhẫn này chính là cách đại bàng dạy con trưởng thành và trở hành “vua” của bầu trời khiến bao loài nể phục. Không có con đường nào là bằng phẳng, cũng không có thành công nào không phải trả giá, muốn con cứng cáp và trưởng thành, cha mẹ phải dạy con cách sống tự lập, đi trên chính đôi chân của mình.
Nuông chiều chưa bao giờ là cách tốt để một đứa trẻ trưởng thành (Ảnh: Internet)
Bản năng của người làm cha làm mẹ là yêu thương, bảo vệ con cái nhưng đến một lúc nào đó nếu không cẩn thận, sự bảo bọc, thương yêu đó sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Thay vì “quyết định hộ” con tất cả mọi chuyện, cha mẹ nên định hướng cho con. Hãy “buông tay” để các con được chọn lựa con đường của riêng mình, có thể sống trọn vẹn với ước mơ, hoài bão, đương đầu với sóng gió chính là cách tốt nhất để mài giũa một người trưởng thành. Cha mẹ không thể mãi mãi ở bên cạnh con cái vì vậy hãy dạy cho con cách tự lập để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc.
Khi là đứa trẻ, con cái cần cha mẹ bảo vệ, nâng đỡ nhưng khi bước vào tuổi trưởng thành, cha mẹ hãy dạy con tự quyết định và chịu trách nhiệm với cuộc đời, đó mới là tình yêu thương lớn nhất. Ủng hộ con mạnh mẽ theo đuổi ước mơ, định hướng nếu sai lầm, cổ vũ khi vấp ngã, luôn dõi theo từng bước chân và đồng hành cùng con. Trưởng thành là khi các con dám làm – dám nhận sai, là khi gục ngã nhưng không từ bỏ, là dám đối đầu với những thử thách để tôi luyện bản thân. Trưởng thành là một quá trình mà ở đó cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc chứ không phải là người “dọn đường”, “trải thảm nhung” để con bước đi “chập chững” với đôi chân không có cơ hội “cứng cáp”.
Hãy yêu con đúng cách, “buông” không đồng nghĩa là “bỏ” mà “buông” để con tìm được hạnh phúc và niềm vui của mình.
Ý kiến của bạn