Lại một mùa trăng nữa gần về, đi dọc các con phố đã thấy đầy ắp các hàng bán bánh trung thu đỏ rực. Nếu bạn ngại làm bánh tại nhà vì bánh nướng khá cầu kỳ, mất nhiều thời gian thì nay hãy tham khảo cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu sau đây, đảm bảo vừa tiết kiệm thời gian lại thơm ngon nức mũi.
Bánh trung thu nướng bằng nồi chiên không dầu. Ảnh: Internet
Cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu đơn giản tại nhà
Chưa khi nào cách làm bánh trung thu lại dễ đến như vậy, chỉ cần một ít thời gian, nguyên liệu và nồi chiên không dầu, bạn đã có thể tự tay làm ra những chiếc bánh thơm ngon, vàng ươm đẹp mắt.
Chuẩn bị nguyên liệu
Công thức làm bánh trung thu đậu xanh trứng muối với các nguyên liệu gần gũi, dễ tìm mua.
Phần nhân bánh
- Đậu xanh tách vỏ: 500gram
- Trứng muối (không thích có thể bỏ qua): 10 cái
- Dầu ăn: 30 ml
- Đường (có thể dùng đường ăn kiêng): 400 gram
Phần vỏ bánh Trung thu
- Bột mì đa dụng: 420 gram
- Nước đường: 220 gram
- Dầu ăn: 60ml
- Lòng đỏ trứng gà: 2 cái
Nước phết mặt bánh
- Trứng gà: 1 cái
- Sữa tươi không đường: 5ml (tương đương 1 muỗng cà phê)
- Dầu mè: 5ml
Cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu
Với cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh bằng nồi chiên không dầu chi tiết dưới đây, bạn hãy tự tay làm những chiếc bánh thơm ngon, đảm bảo vệ sinh để tặng bạn bè, đồng nghiệp.
Làm nhân bánh Trung thu
Đối với trứng muối, bạn có thể mua loại đã tách sẵn sẽ tiện lợi hơn. Nếu trứng muối còn nguyên vẹn, bạn đập vỏ rồi cho trứng dưới vòi nước chảy nhẹ để làm sạch lòng trắng bên ngoài. Cho lòng đỏ vào bát, ngâm cùng một chút rượu trong vòng 10 phút giúp loại bỏ mùi tanh.
Bí quyết để nhân bánh trung thu đậu xanh trứng muối ngon: hấp nướng chín lòng đỏ trứng muối, để nguội trước khi bọc vào bên trong đậu xanh.
Lòng đỏ trứng muối có thể hấp hoặc nướng chín trong lò vi sóng trước khi làm nhân.
Đậu xanh rửa sạch loại bỏ hết các hạt đậu sâu hay bị mốc, ngâm với nướng nóng từ 2 – 3 tiếng hoặc ngâm nướng lạnh qua đêm để hạt đậu mềm. Sau khi ngâm, rửa lại đậu nhiều lần để hết nước chua, cho vào nồi nấu đến khi đậu chín.
Tiếp đó, bạn dùng máy xay sinh tố hoặc máy xay cầm tay, cho đậu xanh luộc và đường vào xay nhuyễn, lọc lại qua rây một lần nữa.
Bạn đổ hỗn hợp đậu xanh đã xay ra chảo chống dính đế dày và sên trên lửa nhỏ. Khi hỗn hợp bắt đầu sệt lại, bạn cho từ từ dầu ăn vào, đảo liên tục cho đến khi sờ vào đậu xanh thấy không còn dính tay.
Nhân đậu xanh thành phẩm phải dẻo, mịn, không quá khô nhưng cũng không bị dính tay. Bạn có thể kiểm tra bằng cách khi nhân còn đang nóng, lấy một phần nhân nhỏ vo tròn lại, nếu nó vân giữ nguyên được hình dáng là đạt. Nếu cảm thấy nhân bị nhão quá, không giữ được hình dáng thì bạn cần phải sên thêm đến khi đạt yêu cầu.
Sên nhân đậu xanh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Ảnh: Internet
Sau khi đậu xanh đã nghỉ ngơi đủ thời gian, bạn nhào lại nhân một lần nữa cho dẻo, chia thành từng viên từ 30 – 35 gram rồi gói trứng vào bên trong.
Làm vỏ bánh
Bột mì rây vào âu cho thật mịn, tạo một lỗ nhỏ ở giữa, cho nước đường, dầu ăn và lòng đỏ trứng vào. Dùng thìa khuấy nhẹ cho trứng vỡ, trộn đều từ trong ra ngoài cho hỗn hợp bột quyện vào nhau.
Tiếp theo, bạn dùng tay trộn bột nhẹ nhàng. Nếu bóp mạnh tay sẽ làm bột dai, cho đến khi thấy hỗn hơp quyện thành một khối, sờ vào không dính tay nữa là đã hoàn thành công đoạn này.
Bạn bọc kín khối bột lại để bột không bị khô và cho bột nghỉ 30 phút.
Bọc bánh
Phần vỏ bánh sau khi ủ xong, dùng tay nhào nhẹ lại khoảng chừng 15 – 20 giây, rồi chia thành từng viên đều nhau.
Rắc một ít bột mì, dùng cán gỗ cán mỏng khối bột sao cho phần giữa dày hơn xung quanh mép.
Cán bột vỏ bánh trung thu.
Cho nhân vào giữa bột, bọc kín sát phần nhân để không có lỗ hở, vo tròn.
Nếu bạn chưa biết cách cân đối tỷ lệ giữa nhân (đã bao gồm trứng muối) và vỏ bánh, có thể chia như sau:
- Khuôn 50 gram: vỏ 20 gram + nhân 30 gram
- Khuôn 75 gram: vỏ 30 gram + nhân 45 gram
- Khuôn 125 gram: vỏ 50 gram + nhân 75 gram
- Khuôn 150 gram: vỏ 60 gram + nhân 90 gram
- Khuôn 200 gram: vỏ 80 gram + nhân 120 gram
Với công thức làm bánh nướng nhân đậu xanh trứng muối này, dùng khuôn 75 gram gồm: nhân đậu xanh 30 – 35 gram + trứng muối 10 – 12 gram (tuỳ kích cỡ mỗi quả trứng) + vỏ 30 gram. Vậy nên, bạn có thể cân đối dựa theo nguyên liệu và khuôn khi áp dụng công thức.
Nếu chưa đóng khuôn ngay, bạn hãy dùng màng thực phẩm bọc kín các viên bột trong thời gian chờ đợi, tránh để bánh bị khô.
Viên bánh trung thu đã được bọc nhân.
Đóng bánh
Trước khi đóng bánh, bạn phết một lớp dầu mỏng lên mặt và thành khuôn, để bột không bị dính vào khuôn bánh trung thu. Nếu nhân và vỏ đạt chuẩn thì bước tạo hình bánh này khá đơn giản, bánh dễ dàng tách ra khỏi khuôn và rất sắc nét.
Cho viên bánh trung thu vào khuôn, ép và giữ khoảng 5 – 10 giây rồi lấy bánh ra.
Vì là nồi chiên không dầu, số lượng bánh bị hạn chế, bạn chỉ nên đóng số lượng bánh vừa đủ và mang đi nướng, bánh đóng xong để lâu sẽ bị chảy xệ. Đến khi nướng xong một mẻ, lại tiếp tục đóng bánh và nướng, làm lần lượt cho đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.
Nướng bánh bằng nồi chiên không dầu
Bật nồi chiên không dầu trước 15 phút cho nóng, nhiệt độ nướng bánh còn tuỳ thuộc vào nồi của mỗi gia đình. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo mức nhiệt sau:
Lần 1: nướng 160 độ, 7 phút. Sau khi nướng lần 1, yêu cầu bánh chín hoàn toàn, mặt bánh và đáy bánh vàng, thân bánh trắng đục.
Lần 2: xịt nước rồi để khô, quét mặt bánh bánh nướng khoảng 200 độ, trong 5 phút.
Lần 3: xịt nước, tiếp tục quét mặt bánh rồi nướng ở 160 độ, trong vòng 4 phút.
Sau khi cho bánh vào nồi chiên không dầu để nướng, bạn lấy một cái bát nhỏ, cho trứng gà nguyên quả, sữa tươi và dầu mè vào, trộn đều rồi lọc qua rây cho thật mịn. Hỗn hợp này dùng để phết lên bánh sau khi nướng lần một, để bánh có màu vàng ươm, bắt mắt như mua ngoài hàng bạn nhé!
Lót giấy nến dưới đáy bánh trung thu trong khi nướng. Ảnh: Internet
Bánh nướng lần 2. Ảnh: Internet
Yêu cầu thành phẩm
Màu sắc và hương vị của bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu sẽ thơm ngon tương tự như thực hiện với lò nướng chuyên dụng.
Sau khi nướng xong, hãy để bánh trung thu lên giá cho nguội hoàn toàn. Ảnh: Internet
Bánh trung thu sau khi nướng vỏ sẽ rất giòn, nếu bạn thích ăn kiểu này thì trình bày ra đĩa và thưởng thức cùng nước trà cũng rất tuyệt vời.
Vỏ bánh trung thu vàng ươm bắt mắt, không bị nứt và mặt bánh sắc nét như lúc mới đóng khuôn xong. Thành bánh thẳng, nếu bị cong vênh hoặc chảy xệ là do nhiệt độ nướng bánh chưa đạt.
Cắt bánh trung thu ra sẽ thấy phần nhân đậu xanh nhuyễn mịn, mềm dẻo hoà quyện cùng trứng muối mặn mặn, bùi bùi rất hấp dẫn.
Thành phẩm bánh trung thu đậu xanh trứng muối nướng bằng nồi chiên không dầu. Ảnh: Internet
Cách bảo quản
Vì là bánh trung thu handmade không sử dụng chất bảo quản nên chỉ có thể để bên ngoài nhiệt độ phòng khoảng 7 ngày hoặc 15 – 20 ngày trong ngăn mát tủ lạnh.
Nếu đóng gói bánh còn ấm, chưa nguội hẳn sẽ nhanh mốc. Sử dụng hộp mika xinh xắn đóng gói để biếu tặng.
Nếu bạn làm bánh để kinh doanh, lúc đóng gói nên kèm theo túi hút ẩm và đóng kín miệng bánh.
Trong suốt quá trình chuẩn bị, đóng bánh và nướng bạn hãy đeo bao tay để tránh hư hỏng bánh trong quá trình bảo quản.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bảo quản bánh trung thu trong thời gian dài từ vài tháng đến một năm bằng cách bọc kín bánh rồi xếp vào ngăn đông. Đến khi dùng, nướng qua lò vi sóng lại là có thể thưởng thức được rồi.
Lưu ý để có món bánh trung thu ngon
- Lúc sên nhân bánh, để không bị cháy thay vì sên trực tiếp trên lửa các bạn có thể đun một nồi nước sôi. Tiếp đến, cho đậu xanh xay nhuyễn vào thau inox và đặt lên nồi nước sôi để sên. Khi làm cách này, mọi người sẽ giảm được tình trạng nhân bị khét do quá lửa.
- Nhiều bạn khi nướng bánh bị non hoặc chưa chín sẽ dẫn đến bánh không bảo quản được lâu. Nếu thấy phần bột trong bánh còn trong, bạn hãy tiếp tục nướng và dùng giấy nến che mặt bánh lại, để hạn chế việc bánh bị cháy.
- Bột của vỏ bánh trung thu sau khi trộn không được khô quá, phải đảm bảo đủ ẩm, không để bột nghỉ quá lâu sẽ bị chai bột.
- Nên dùng chổi lông mịn thay vì cọ silicon trong lúc phết nước lên mặt bánh. Đưa chổi quét xung quanh từ ngoài vào trong mặt bánh. Tránh chấm từ từ, phía bên trong ra ngoài sẽ làm bánh đọng nước và mất nét.
- Bên cạnh nhân đậu xanh trứng muối, bạn có thể biến tấu đa dạng cho bánh trung thu làm bằng nồi chiên không dầu như nhân thập cẩm, nhân đậu xanh sữa dừa, nhân mè đen, nhân hạt sen, nhân sầu riêng trứng muối… rất đa dạng, phong phú.
Với cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu này, bánh sẽ dần tươm mỡ bóng bẩy sau 1 – 2 ngày. Lúc đó, bánh sẽ mềm, ngon và dậy vị hơn lúc mới nướng xong. Ngoài ra, khi tự làm bánh trung thu tại nhà, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh độ ngọt, tự chuẩn bị loại nhân hợp vị, thậm chí tạo ra những mẫu bánh yêu thích của riêng mình. Nàng đoảng đừng quá lo lắng, hãy cứ thử trổ tài vào bếp và kỹ năng nấu nướng sẽ được cải thiện sớm thôi. Chúc các bạn thực hiện thành công món bánh trung thu để thưởng thức trong mùa trăng năm nay.
Ý kiến của bạn